Ngày 10/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có báo cáo chính thức về tình trạng cá nuôi trong lồng bè ở xã đảo Long Sơn (thành phố Vũng Tàu) chết nhiều trong những ngày qua.
Theo báo cáo, từ ngày 4/8 đến nay, hơn 241.000 con cá, tôm (tương đương gần 90 tấn cá), chủ yếu là cá mú, cá chim, cá ria, cá bớp, tôm của 23 hộ nuôi lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu) bị chết. Trong đó, 11 hộ mới thả nuôi được ít ngày, một hộ thả nuôi được 40 ngày, số hộ còn lại thả nuôi từ 3-4 tháng.
Ngay sau khi tình trạng cá chết xảy ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã cử các đơn vị chuyên môn xuống lấy các mẫu cá, nước để đưa đi xét nghiệm; đồng thời điều tra, khảo sát, đánh giá các khả năng dẫn đến tình trạng cá chết như: thời tiết, khí hậu, xả thải từ cổng số 6 (nơi trước đây các nhà máy chế biến hải sản thường xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra sông)...
Kết quả, trước khi xảy ra tình trạng cá chết từ 3-4 ngày, cổng số 6 luôn đóng kín, nước không thoát ra; trong thời điểm cá chết có tình trạng mưa nhiều, dẫn đến nước phân tầng và giảm độ mặn cũng như hàm lượng ôxy trong nước; mật độ nuôi cá lồng bè dày và các loại sinh vật bám xung quanh lưới lồng bè nhiều làm giảm khả năng lưu thông nước trong bè.
Trong số bốn mẫu cá được lấy đi xét nghiệm thì tất cả đều xuất hiện vi khuẩn Vibrio spp (loại vi khuẩn gây lở loét, xuất huyết dưới thân, mang, đầu làm cá chết nhanh); đồng thời cả năm mẫu nước đều có chỉ tiêu COD, NH3 vượt ngưỡng cho phép, trong đó COD vượt từ 24-26 lần, NH3 vượt từ 13-22 lần.
Qua phân tích mẫu nước tại những nơi cá chết, các cơ quan chuyên môn nhận định, có sự ô nhiễm cục bộ tại vùng nuôi. Nguồn nước ô nhiễm bởi một số nguyên nhân như nước thải sinh hoạt của các hộ nuôi sinh sống tại đây; thức ăn cho cá là thức ăn tươi sống chưa được xử lý sạch trước khi cho cá ăn, lượng thức ăn dư thừa nhiều.
Do đó, cơ quan chuyên môn nhận định nguồn nước bị ô nhiễm cục bộ và sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh Vibrio spp là nguyên nhân chính khiến cá nuôi lồng bè bị chết trong những ngày qua trên sông Chà Và.
Điều đáng nói là nhiều hộ dân đã đổ thẳng cá chết ra sông mà không chôn lấp theo quy định càng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước nuôi cá cũng như tăng nguy cơ dịch bệnh cho các hộ nuôi khác trong khu vực.
[Hồ chứa nước khu chế biến hải sản chuyển màu đỏ, tràn ra sông Chà Và]
Trước tình trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo người nuôi các lồng bè trên sông Chà Và cần thu hoạch sớm đối với cá, tôm vừa đạt kích cỡ thương phẩm để giảm thiệt hại.
Bên cạnh đó, vệ sinh lưới lồng sạch sẽ để tăng cường sự trao đổi nước giúp lồng nuôi thông thoáng, hạn chế vi sinh vật bám vào; giãn thưa lồng, giảm mật độ cá nuôi; theo dõi kỹ lịch thủy triều, đặc biệt là thời điểm nước đứng vào ban đêm và buổi sáng thì tăng sục khí để tăng lượng ôxy trong nước cho cá thở.
Ngoài ra, điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp và bổ sung khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá; sử dụng kháng sinh trị bệnh gây lở loét trên cá theo sự chỉ dẫn của cơ quan chuyên môn; định kỳ phòng, trị các loại ký sinh trùng trên cá; thu gom cá chết và xử lý theo quy định. Đặc biệt, khi cá nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc chết thì các hộ nuôi phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo người nuôi trong khu vực này dừng ngay việc thả mới cá giống và tạm ngưng nuôi từ 2-3 tháng để tiến hành cải tạo, vệ sinh khu vực lồng nuôi để môi trường nước sông trở lại trạng thái tốt.
Ngoài ra, trong đợt điều tra, đánh giá toàn diện khả năng dẫn đến cá chết tại khu vực này, ngày 7/8, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh và Chi cục Môi trường tỉnh đã rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh trong khu vực cầu Chà Và và phát hiện sơ sở kinh doanh Ngọc Việt (kinh doanh các loại vật tư đóng bè nổi nuôi trồng thủy sản) do bà Trần Thị Mai Duyên làm chủ đang thực hiện việc xả nước xúc rửa từ bảy phi nhựa (loại 200l, chứa hóa chất).
Cơ quan chức năng đã lập biên bản vụ việc, yêu cầu chủ cơ sở lưu giữ khoảng 160 phi nhựa còn lại; đồng thời lấy mẫu phân tích, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.