Đáp ứng chuẩn mực quốc tế: Thách thức của doanh nghiệp Việt

Việc tham gia hàng loạt FTA sẽ đem lại lợi thế lớn cho Việt Nam, tuy nhiên các điều kiện để hội nhập bên cạnh hàng rào thuế quan đã giảm xuống thì hàng rào kỹ thuật lại tăng lên.
Đáp ứng chuẩn mực quốc tế: Thách thức của doanh nghiệp Việt ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: An Hiếu/Vietnam+)

Việt Nam đã và đang tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương với các quốc gia, vùng lãnh thổ như FTA với Liên minh châu Âu, Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN...

Đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp trong nước có thể mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới trong khu vực và thế giới. Song trên thực tế, để làm được điều này cũng không phải là điều dễ dàng.

Theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen, việc tham gia hàng loạt FTA sẽ đem lại lợi thế lớn cho Việt Nam.

“Chúng ta thấy rõ xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của thế giới đổ dồn về khu vực Đông Nam Á; trong đó có Việt Nam. Đây là thời điểm thuận lợi bởi chúng ta đang có “dân số vàng,” chi phí nhân công thấp, nhiều chính sách thu hút đầu tư, nên cơ hội tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và khả năng thu hút dòng vốn đầu tư rất lớn,” ông Vũ chia sẻ.

Đánh giá về tác động của các FTA, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), cho rằng các FTA một mặt sẽ tạo động lực để thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới thể chế kinh tế ở Việt Nam, mặt khác, doanh nghiệp trong nước sẽ có điều kiện thâm nhập vào thị trường lớn hàng đầu thế giới với thuế quan hầu hết là bằng 0% và với những rào cản được giảm thiểu.

Đặc biệt Việt Nam có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Nga, Belarus, Kazakhstan. Một số lĩnh vực kinh doanh có lợi ích cốt lõi như dệt may, giày dép và các mặt hàng nông sản...

Tuy nhiên, theo ông Lộc, các điều kiện để hội nhập bên cạnh hàng rào thuế quan đã giảm xuống thì hàng rào kỹ thuật lại tăng lên. Do đó, doanh nghiệp phải đảm bảo được các điều kiện về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về xuất xứ.

“Toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam phải đặt trong chuẩn mực quốc tế, vươn tới tiêu chuẩn quốc tế. Nếu không thì chúng ta không thể thâm nhập được vào thị trường của các nước. Đây là thách thức mà doanh nghiệp phải vượt qua,” ông Lộc cho biết.

Báo cáo từ VCCI cho thấy có tới 96% số doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, với sự yếu kém cả về nguồn vốn, công nghệ và trình độ lao động. Điều này khiến các doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài hoặc tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Cùng quan điểm với Chủ tịch VCCI, ông Lê Phước Vũ cũng đã chỉ ra những thách thức đằng sau hội nhập: “Nếu chúng ta không chuẩn bị tinh thần để đón đầu dòng vốn đó, cơ hội đó, thiếu sự chuẩn bị nội lực để tạo ra các sản phẩm cạnh tranh cao thì chúng ta sẽ bị tụt lại so với các nước trong khu vực.”

Theo ông Vũ, các tập đoàn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thường kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh, nên doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia vào chuỗi cung ứng. Trong khi thực tế hiện nay, Việt Nam đang thiếu những doanh nghiệp đầu đàn, đóng vai trò dẫn dắt, giúp các doanh nghiệp nhỏ đi lên.

Ngoài ra, một điểm yếu được nhiều chuyên gia nhận định là ngay bản thân doanh nghiệp tư nhân trong nước sức cạnh tranh còn yếu, nguồn vốn hạn hẹp, công nghệ và quản lý còn yếu kém. Nhiều ngành nghề như tôn-thép, thủy sản luôn gặp khó khăn khi thâm nhập vào thị trường các nước bởi các rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại.

Không chỉ dừng ở khía cạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp trong nước còn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà.

Đại diện Công ty cổ phần ôtô Trường Hải cho hay trong quá trình hội nhập, thuế suất giảm dần và có lộ trình về 0%, nhiều khả năng sản phẩm ôtô giá rẻ từ các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan cũng sẽ tràn vào Việt Nam. Đây chính là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô trong nước.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ ôtô trong nước năm qua mặc dù có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng nếu so với các nước trong khu vực thì con số tiêu thụ hơn 150.000 xe/năm còn quá thấp.

Thị trường trong nước tiêu thụ nhỏ, khó khăn trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và cạnh tranh trong hội nhập khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước vốn đã tồn tại nhiều hạn chế lại càng trở nên yếu hơn trong cạnh tranh khi hội nhập.

Chia sẻ thêm về những hạn chế của doanh nghiệp, ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội cơ khí Việt Nam, nguyên là Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho hay không chỉ ở ngành công nghiệp ôtô, mà ở nhiều ngành nghề khác, các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ hiện vẫn chỉ ở vạch xuất phát nếu so sánh với các nước phát triển.

Các doanh nghiệp này, ngoài yếu về công nghệ, còn yếu kém về vốn và nguồn nhân lực, nên chưa sản xuất được những sản phẩm công nghệ cao, đem lại giá trị gia tăng lớn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, khi hội nhập, những điểm yếu này càng bộc lộ rõ nét hơn trước những đối thủ cạnh tranh từ các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây chính là những thách thức mà các doanh nghiệp trong nước chưa thể vượt qua.

Trong khi năng lực cạnh tranh và sức kháng cự của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, cộng đồng doanh nghiệp trong nước kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục các giải pháp lớn về xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên cơ sở xác định doanh nghiệp là lực lượng chủ lực để phát triển kinh tế-xã hội cùng đất nước.

Ông Lê Phước Vũ cho rằng trong khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp đã đứng vững, tạo được uy tín, thương hiệu, xúc tiến thương mại tốt. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan xúc tiến thương mại cũng rất quan trọng.

Ngoài việc quy định rõ hơn về các mã thuế cho các mặt hàng tôn-thép, thì cũng cần giải quyết mạnh tay hàng giả, hàng nhái và các sản phẩm giá rẻ không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng đến hoạt động và uy tín của doanh nghiệp làm ăn chân chính. Điều này vô hình chung làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngay ở thị trường trong nước.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ có thể đẩy mạnh hỗ trợ tài chính bằng việc tạo nguồn vốn dài hạn, lãi suất hợp lý hơn.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tôn-thép, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng không chỉ mặt hàng tôn-thép trong nước mà nhiều mặt hàng đều phải đối mặt với vấn nạn hàng giả, hàng nhái.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng kiến nghị Chính phủ xem xét Thông tư liên tịch số 44/2013 giữa Bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ về quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu, liên quan đến việc giảm thủ tục kiểm tra, giám sát hàng hóa, mà có thể áp dụng chính sách hậu kiểm để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, sản xuất ôtô, Việt Nam đã mất 20 năm để phát triển. Nhưng cho đến nay, hầu hết các doanh nghiệp trong nước mới chỉ thực hiện ở khâu lắp ráp, các chi tiết phụ tùng cung cấp ra thị trường có giá trị gia tăng thấp.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), ông Đào Phan Long, cho biết các chính sách đối với ngành ôtô Việt Nam hiện nay tác động rất ít, thậm chí còn làm hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

Chính sách khuyến khích đầu tư cũng chưa đủ mạnh và khó áp dụng trong thực tiễn triển khai, chưa kể thiếu sự ổn định, nhất quán, đặc biệt là các chính sách về thuế.

VAMI đã gửi kiến nghị lên Chính phủ xin một số ưu đãi để phát triển ngành và tiến tới hội nhập, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể như đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ, VAMI xin thêm ưu đãi cho vay dài hạn (15-20 năm) lãi suất từ 0-3% để đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hoặc bù 100% lãi suất trong 5 năm đầu.

Đồng thời, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện các chính sách cho ngành công nghiệp ôtô để các doanh nghiệp chủ động lập kế hoạch đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tạo cơ hội cho thị trường tiêu thụ ôtô phát triển, bởi có dung lượng thị trường đủ lớn, thì các doanh nghiệp phụ trợ trong nước mới có chỗ để đầu tư sản xuất, tham gia cung ứng và phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục