Đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu để tránh bị phụ thuộc

Trong bối cảnh phức tạp trên Biển Đông, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết do nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc nên Việt Nam phải đa dạng hóa các thị trường để tránh bị phụ thuộc.
Đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu để tránh bị phụ thuộc ảnh 1Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

“Mặc dù giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường nhưng trong bối cảnh phức tạp trên Biển Đông, cần có những phân tích nghiên cứu và dự báo thị trường để giúp các doanh nghiệp Việt Nam chủ động ứng phó. Cùng với đó, do nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc nên chúng ta phải đa dạng hóa các thị trường để tránh bị phụ thuộc. Đây là dịp chúng ta thực hiện quyết liệt hơn việc tái cơ cấu, mở rộng thị trường xuất khẩu”.

Thông điệp này được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh tại “Hội nghị bàn các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản 2014” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Còn nhiều vướng mắc

Theo báo cáo của liên Bộ Công Thương-Nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam trong năm tháng đầu năm 2014 đạt gần 9 tỷ USD, tăng xấp xỉ 13% so với cùng kỳ. Tuy vậy ngành sản xuất, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là nhu cầu tiêu thụ của thị trường nhập khẩu vẫn còn yếu, trong khi áp lực cạnh tranh cao.

Bên cạnh đó, xu hướng các nước tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu; chi phí sản xuất như điện, nước, nguyên liệu đầu vào cũng như chi phí vận tải đều gia tăng… Không dừng lại ở đó, những hạn chế của ngành sản xuất và xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản từ nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết như công tác quy hoạch vùng sản xuất, nuôi trồng chưa nhất quán và đồng bộ. Tỷ lệ sản phẩm nông sản, thủy sản chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao để phục vụ xuất khẩu còn thấp. Trong khi năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu còn yếu.

Không ít ý kiến đại diện cho các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đã phản ánh một số khó khăn vướng mắc khác liên quan đến việc tiếp cận vay vốn để đầu tư vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Cùng đó, việc thiếu kinh phí cho công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm; cơ chế phối hợp cung cấp thông tin và trao đổi giữa các cơ quan hữu quan với nhau, giữa các cơ quan hữu quan với doanh nghiệp còn chưa hiệu quả.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến thủy sản (VASEP) cho rằng thị trường nước ngoài đã khó khăn nhưng bản thân trong nước lại khó khăn hơn nữa, do vậy các cơ quan nhà nước khi ban hành văn bản "đừng gây thêm khó khăn" cho doanh nghiệp. Bởi tuy kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng thủy sản trong năm tháng đầu năm tăng gần 30%, nhưng bản thân các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, thủy sản lại hết sức khó khăn.

Trích dẫn Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT về "Quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành ngày 12/11/2013, ông Dũng cho biết thông tư này có một số quy định đang "bó" chân doanh nghiệp. Cụ thể, theo thông lệ quốc tế thì khi doanh nghiệp có hơn 400 nhà máy được Liên minh châu Âu (EU) cấp chứng nhận thì cơ quan nhà nước chỉ thẩm tra xem doanh nghiệp làm có tốt không. Tuy nhiên, Thông tư 48 mới ra được hơn năm tháng nhưng tần suất kiểm tra đối với doanh nghiệp lại nhiều hơn, gây phiền hà và tốn chi phí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng kiến nghị tại Nghị định số 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng trình Chính phủ ký nhưng lại có một số điểm không đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc với các doanh nghiệp của Hiệp hội này. Đơn cử như việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra, nếu làm theo quy định sẽ không đảm bảo bí mật kinh doanh của doanh nghiệp... Không những thế, Nghị định này còn thiếu cả chế tài để quản lý thức ăn nuôi cá tra (hiện chiếm 80% chi phí sản phẩm cá tra), dẫn đến tình trạng nước ngoài đang thao túng thị trường này.


Gỡ nút thắt cho rào cản

Trước những phản ánh của Hiệp hội VASEP, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng trong mọi chính sách, bộ luôn mong muốn đồng hành hiệu quả cùng doanh nghiệp và vì lợi ích quốc gia.

"Mọi chính sách ban hành đều nhằm khuyến khích doanh nghiệp hoạt động đúng luật pháp và chỉ cản trở những doanh nghiệp làm tổn hại đến lợi ích chung. Trong trường hợp chính sách ban hành ra có làm khó cho một doanh nghiệp nào đó thì cần xem xét từng trường hợp cụ thể để tháo gỡ," Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Để giải quyết vấn đề thị trường tiêu thụ cho mặt hàng nông, thủy sản, Bộ Công Thương đang làm việc với Lào và Campuchia nhằm chuẩn bị ký kết lại Hiêp định về mậu dịch biên giới. Riêng với Trung Quốc, hai bên đã ký Hiệp định mậu dịch biên giới vào năm 1999, cuối năm ngoái hai nước đã thống nhất sẽ ký lại nhưng với tình hình căng thẳng tại biển Đông như hiện nay, Bộ Công Thương nhận định, thời gian có thể sẽ bị kéo dài hơn. Tuy nhiên bộ này cam kết sẽ sớm hoàn tất Hiệp định mậu dịch biên giới với Trung Quốc trong thời gian sớm nhất.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành; trong đó tập trung vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như Bộ Công Thương chủ động tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu. Theo đó, cố gắng vừa khai thác sâu hơn thị trường truyền thống, đồng thời tìm thêm các thị trường mới, không quá phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết thêm nhằm hoàn thành tốt hơn nữa các giải pháp đặt ra, sớm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản trong năm 2014 cũng như trong các năm tiếp theo, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thống nhất đưa ra các nhóm giải pháp tập trung chủ yếu vào việc phát triển thương mại, đàm phán mở rộng thị trường, dỡ bỏ các rào cản thương mại và kỹ thuật cũng như nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại. Song song với đó là các nhóm giải pháp dài hạn liên quan đến công tác quy hoạch vùng nguyên liệu và phát triển sản xuất nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý chất lượng sản phẩm.

Để đa dạng hóa thị trường, người đứng đầu ngành công thương cho rằng các bộ cần chủ động trong công tác đàm phán, mở cửa thị trường để tạo điều kiện cho các sản phẩm nông, thủy sản trong nước được thâm nhập nhiều hơn vào thị trường nước ngoài. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần chủ động cập nhật, theo dõi thông tin, chính sách và nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường để kịp thời đáp ứng, thúc đẩy sản xuất.

Ngoài ra, việc tăng cường thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại đối với nhóm hàng này tại các thị trường trọng điểm và tăng cường tìm kiếm và giới thiệu khách hàng, thị trường có nhu cầu nhập khẩu cũng là yêu cầu cấp thiết cần phải được triển khai sớm.

Tuy nhiên, rào cản kỹ thuật và thương mại đang là một trong những khó khăn cơ bản đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản Việt. Bởi vậy, thời gian tới, hai Bộ kiên quyết sẽ tập trung nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, rào cản kỹ thuật và thương mại, các vụ kiện của các nước nhập khẩu đối với nhóm hàng nông, thủy sản trong nước để kịp thời thông tin cho doanh nghiệp; đồng thời, chủ động đề xuất các giải pháp và phối hợp thực hiện nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản kỹ thuật và thương mại không phù hợp với nhóm hàng trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục