Trong bối cảnh hội nhập quốc tế về kinh tế, vai trò tiêu chuẩn hóa nói chung và rào cản kỹ thuật trong thương mại nói riêng ngày càng trở thành “điểm nóng,” do đó các nước đang nỗ lực thiết lập và duy trì hệ thống các biện pháp kỹ thuật, điều này có thể tạo nên rào cản tiềm ẩn đối với thương mại quốc tế cũng như hàng hóa nhập khẩu.
Đây là nhận định của tiến sỹ Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp, Bộ Công Thương tại hội thảo “Rào cản kỹ thuật trong thương mại, kinh nghiệm và giải pháp thực thi” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26/12.
Theo tiến sỹ Dương Đình Giám, thực tiễn cho thấy ở Việt Nam nhận thức về rào cản kỹ thuật trong thương mại và những thách thức cũng như cơ hội vẫn còn khá khiêm tốn. Xu thế chung của thương mại quốc tế là hàng hóa có thể tự do luân chuyển và sẽ có mức thuế nhập khẩu bằng 0%.
Tuy nhiên, nhu cầu bảo hộ sản xuất trong nước không hề mất đi mà các nước sẽ sử dụng nhiều hơn biện pháp phi thuế quan để bảo vệ nền sản xuất nội địa trước sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu.
Nhằm vượt qua rào cản kỹ thuật, thúc đẩy xuất khẩu, ông Nguyễn Bình Giang, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho rằng giải pháp căn cơ đối với các doanh nghiệp là phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng định hướng dài hạn để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.
Mặt khác, các đơn vị sản xuất, kinh doanh Việt Nam cần vượt qua các điều kiện chặt chẽ về chứng minh xuất xứ nguyên liệu, tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành và giảm thiểu phụ thuộc vào những nhà cung cấp nước ngoài; đồng thời, đổi mới phương thức hoạt động, chủ động theo dõi, phân tích thị trường; dự báo thách thức và rào cản kỹ thuật có thể phát sinh để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều nhấn mạnh, nâng cao nhận thức và cập nhật thông tin về rào cản kỹ thuật trong thương mại tại các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Mỹ, Nga, EU, ASEAN… là vấn đề cấp thiết khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, cần giúp các ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu chủ lực vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại để gia tăng giá trị xuất khẩu, thâm nhập thị trường quốc tế hiệu quả hơn.
Cụ thể, như xây dựng và triển khai những chương trình, dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư đổi mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất, kinh doanh để tạo ra khả năng cạnh tranh cho sản phẩm, thương hiệu./.