Đề thi môn Ngữ văn không khó, thí sinh làm bài khá tốt môn đầu tiên

Thí sinh nhận định đề thi môn Ngữ văn không quá khó, cấu trúc đề tương tự như năm 2021. Nhiều thí sinh bày tỏ sự thích thú với câu hỏi về phần nghị luận xã hội.
Đề thi môn Ngữ văn không khó, thí sinh làm bài khá tốt môn đầu tiên ảnh 1Thí sinh dự thi môn Ngữ văn, kỳ thi Tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022-2023 của Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm 2022-2023 của Hà Nội sáng nay được các thí sinh nhận định là không khó và có cấu trúc tương tự như mọi năm.

Rời khỏi trường thi với tâm thế khá thoải mái, thí sinh Kỳ Duyên, học sinh Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Tây Hồ) đánh giá đề không khó và em làm bài thi khá tốt. “Em nghĩ mình có thể đạt 7,5 điểm trở lên,” nữ sinh vui vẻ nói.

Đề thi không khó cũng là nhận định của thí sinh Đặng Xuân Anh, Trường Trung học cơ sở Trưng Vương. Theo Xuân Anh, phần 1 của đề rơi vào tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” là một tác phẩm nổi tiếng, giàu ý nghĩa và thường được thầy cô ôn tập kỹ. “Đoạn trích yêu cầu phân tích cũng có khá nhiều biện pháp nghệ thuật nên chúng em có nhiều điều để viết, không bị bí ý. Phần nghị luận xã hội về vẻ đẹp tâm hồn của con người cũng là chủ đề quen thuộc và đã được chúng em làm đi làm lại nhiều,” Xuân Anh nói.

Đề thi môn Ngữ văn không khó, thí sinh làm bài khá tốt môn đầu tiên ảnh 2Đề thi chính thức môn Ngữ văn

Cùng quan điểm này, thí sinh Tô Mỹ Linh, học sinh Trường Trung học cơ sở Thanh Quan đánh giá đề thi tương đối vừa sức với học sinh.

[Thí sinh, phụ huynh hồi hộp khi môn thi đầu tiên vào lớp 10 bắt đầu]

Nữ sinh này cho biết em ấn tượng với câu hỏi phần nghị luận xã hội. “Câu hỏi khá liên quan đến cuộc sống ngày nay vì nhiều học sinh hay quan trọng vẻ đẹp bề ngoài và vật chất mà quên đi vẻ đẹp tâm hồn, quên việc phải đối xử tốt đẹp với những người xung quanh,” Mỹ Linh nói. Linh cho hay em vẫn làm bài thi này theo bốn bước cơ bản của làm văn nghị luận là giải thích về vẻ đẹp tâm hồn, nêu vai trò ý nghĩa của vẻ đẹp tâm hồn trong cuộc sống, phản biện, liên hệ với thực tế cuộc sống và bản thân.

Thí sinh Nguyễn Đức Huy, học sinh Trường Trung học cơ sở Đống Đa cũng bày tỏ sự thích thú với câu hỏi nghị luận xã hội. “Em nghĩ câu hỏi nghị luận xã hội năm nay hay hơn các năm trước. Các câu hỏi khác thì tương đương như cách ra đề của mọi năm. Tổng quan thì đề vừa sức và em làm bài khá tốt,” Huy cho hay.

Phân tích về đề thi, thạc sỹ Lê Minh Thư, tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngữ văn, hệ thống giáo dục Hòa Bình - La Trobe - Hà Nội cho hay đề gồm cấu trúc hai phần giống như những năm trước. Phần 1 gồm 4 câu hỏi xoay quanh bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải, là văn bản nằm trong chương trình Ngữ văn 9. Phần 2 gồm ba câu hỏi xoay quanh một văn bản nằm trong sách giáo khoa Ngữ văn 7.

Hầu hết các câu hỏi yêu cầu học sinh cần ghi nhớ kiến thức liên quan đến tác phẩm, hiểu rõ về mạch cảm xúc và giá trị nghệ thuật của hình ảnh, nắm vững các kiến thức tiếng Việt liên quan đến phép liên kết, biện pháp tu từ. Vấn đề nghị luận xã hội có tính thiết thực, gần gũi. Bên cạnh đó vẫn có các câu hỏi vận dụng để phân loại học sinh.

Phân tích cụ thể hơn, cô Tạ Minh Thúy, giáo viên môn Ngữ văn, Trung tâm Tuyển sinh 247, cho biết trong phần I, đề thi tập trung kiểm tra kiến thức vào khổ thơ thứ nhất của bài “Mùa xuân nhỏ nhỏ” nhưng không dừng lại ở kiến thức xung quanh khổ thơ mà còn mở rộng kiến thức liên quan đến toàn bộ bài thơ: thể thơ, mạch cảm xúc. Đặc biệt, đề đưa ra câu hỏi học sinh cần cảm nhận được vẻ đẹp hình ảnh “giọt long lanh rơi. Đây là một hình ảnh thơ đẹp, đa nghĩa, giàu tính sáng tạo. Câu chiếm nhiều điểm nhất của phần 1 yêu cầu viết đoạn văn cảm nhận đoạn thơ để thấy rõ vẻ đẹp quê hương và cảm hứng ngợi ca tôn vinh của Thanh Hải với đất nước.

Phần thứ II, yêu cầu của hai ý đầu tiên không quá khó, liên quan đến kiến thức về phép liên kết câu, biện pháp tu từ và một câu đọc hiểu tìm ý. Hai ý đầu, học sinh chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản là có thể lấy được trọn vẹn điểm. 

Ý thứ 3 yêu cầu nghị luận về sự cần thiết của việc nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn. Theo cô Thúy, có thể thấy đây là một câu hỏi rất hay, đặt ra vấn đề hai chiều giữa vẻ đẹp ngoại hình và vẻ đẹp tâm hồn, vấn đề rất đáng quan tâm với thế hệ trẻ ngày nay. Qua đó hướng tới thông điệp ý nghĩa đó chính là chúng ta phải tạo nên một lối sống đẹp, tâm hồn đẹp. 

“Câu hỏi này cũng tạo nên mạch chung với câu 4 trong phần 1, đó chính là mỗi chúng ta cần tạo nên một tâm hồn đẹp, một lối sống vị tha, cống hiến, xa rời lối sống vị kỷ, chỉ biết đến bản thân,” cô Thúy phân tích.

Với các phân tích trên, cô Thúy nhận định đề thi tuyển sinh của Hà Nội gồm những kiến thức cơ bản nhưng vẫn phát huy được suy nghĩ, cảm nhận và năng lực của học sinh. “Nhìn chung đề vừa sức với học sinh. Với đề thi này học sinh trung bình có thể làm được 6,5-7 điểm, các bạn học khá, giỏi đạt có thể đạt 8-9 điểm không quá khó khăn,” cô Thúy nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục