Đề xuất lập cơ quan thực hiện đầu tư vốn vào doanh nghiệp nhà nước

Đại biểu Y Thanh Hà Niê K'đăm nêu rõ 5 đề xuất với Đảng, Nhà nước về một số định hướng, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững.
Đề xuất lập cơ quan thực hiện đầu tư vốn vào doanh nghiệp nhà nước ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tham luận tại Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê K'đăm cho rằng chủ trương, quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế đã có những thay đổi qua các kỳ Đại hội của Đảng cùng với quá trình đổi mới tư duy, nhận thức của Đảng, sự phát triển của nền kinh tế, của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương và các tổ chức đảng, cấp ủy đảng trực thuộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nắm vững và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy thành tích, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong tình hình mới, khắc phục các dự án thua lỗ và không để xảy ra sai phạm trong đầu tư xây dựng.

[Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng]

Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho biết nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội lần thứ III của Đảng bộ Khối xác định những mục tiêu như: Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, sức mạnh đoàn kết và năng lực đổi mới sáng tạo; tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện chủ trương cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả để doanh nghiệp nhà nước giữ vững vai trò nòng cốt và dẫn dắt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đảng bộ Khối phấn đấu đến năm 2025: các doanh nghiệp nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh; phấn đấu có 1-2 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á và có ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài; tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn. Các tập đoàn, tổng công ty hoàn thành cơ bản mục tiêu, nhiệm vụ về cổ phần hóa và thoái vốn.

Theo đại biểu, một trong những yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu này là tạo cơ chế, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững. Chỉ khi đó mới nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước để làm tốt vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong các lĩnh vực kinh tế then chốt, tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Đại biểu cũng nêu rõ 5 đề xuất với Đảng, Nhà nước về một số định hướng, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững, góp phần bảo đảm tính chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước.

Bên cạnh việc đề xuất nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới là đề xuất nghiên cứu việc thành lập cơ quan thực hiện chức năng đầu tư vốn của Nhà nước vào các doanh nghiệp nhà nước.

“Vì việc thực hiện đầu tư và tái đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, phù hợp kinh nghiệm quốc tế và các quy định của pháp luật,” đại biểu Y Thanh Hà Niê K'đăm nêu rõ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục