Di sản cuộc sống - Đọc "Đi trốn" - Tiểu thuyết của nhà văn Bình Ca

Nhưng thú thật tôi vẫn tiếc. Tiếc ở sự ôm đồm tư tưởng của Bình Ca khiến cho cuốn sách phần nào mất cân bằng về cảm xúc thụ hưởng thông thường của độc giả...
Di sản cuộc sống - Đọc "Đi trốn" - Tiểu thuyết của nhà văn Bình Ca ảnh 1Tác giả Bình Ca (Nguồn: CTV)

"Đi trốn" tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Bình Ca vừa ra mắt đã làm nóng văn đàn.

5 năm trước cái tên Bình Ca, tác giả tiểu thuyết "Quân khu Nam Đồng" đã gây xôn xao dư luận và bây giờ có thể lịch sử sẽ lặp lại dù cái tên Bình Ca đã không còn lạ lẫm.

Trước khi đọc "Đi trốn" tôi đã đọc không ít bài cả trên báo chính thống và mạng xã hội tán dương thậm chí là gây sốc dư luận (phần nào bất lợi không cần thiết cho tác giả) về một tác phẩm không có đề tài đao to búa lớn mà viết về một nhóm nhân vật thiếu niên có tuổi thơ trùng lặp với những người sinh ở thập niên 50 thế kỷ trước.

Bởi vậy để viết về "Đi trốn" tôi chọn cách đọc chậm rãi cả ở thời điểm và độ kỹ lưỡng. Tôi đọc hai lần trong tâm thế vừa cảm thụ vừa soi xét tác phẩm một cách thận trọng, ngõ hầu đưa ra những đánh giá khách quan về sức hút của tác phẩm cũng như tác giả Bình Ca.

"Đi trốn" có độ dài trung bình. 320 trang sách khổ 13x19 chia làm 3 phần. Nội dung kể về nhóm học sinh sơ tán trong chiến tranh phá hoại cùng một cậu bé địa phương có một cuộc đi trốn vô thưởng vô phạt nhưng lại vô tình tạo ra một chuyến đi kỳ thú và bội phần nguy hiểm với những khám phá cảnh sắc thiên nhiên của một vùng đất sau trở thành di sản thế giới.

Phần 1 mang tính chất giới thiệu xuất xứ nhân vật và lý do chuyến đi. Ở phần 2 là những gì thu nhận được của nhóm trẻ qua những cung bậc cảm xúc từ phong cảnh đến thú vật và tình huống nguy hiểm dẫn đến tuyệt lộ không còn đường về khi hang bị lấp vì bom Mỹ đánh. Phần 3 là cuộc đào thoát khỏi mê cung tuyệt lộ đầy hiểm nguy và tiếp tục những khám phá kỳ thú của nhóm trẻ với sự kết thúc có phần bi kịch đổi bằng cái chết của cậu bé người địa phương.

Ngoài 3 phần "Đi trốn" còn có phần lời tựa của nhà văn Bảo Ninh và Vĩ thanh chủ yếu lược ghi về gia đình của nhóm trẻ nhiều năm sau đó khi chiến tranh đã kết thúc. Tất nhiên ta được biết phần nào số phận của những nhân vật chính dù tác giả không có ý định.

Di sản cuộc sống - Đọc "Đi trốn" - Tiểu thuyết của nhà văn Bình Ca ảnh 2Buổi ra mắt cuốn"Đi trốn" của tác giả Bình Ca với sự đồng hành của nhà báo Phạm Gia Hiền tại Hà Nội, thu hút nhiều độc giả (Ảnh:CTV)

Kể về cuốn sách có lẽ ta chỉ tóm tắt như thế. Một bản tóm tắt nội dung kiệm chữ nhất kiểu như giám định của một biên tập sách trình cấp trên phê duyệt hướng xuất bản cho tác phẩm. Chỉ có thế nhưng gói trong đó là bao nhiều điều cần phải ngẫm ngợi. Một thế giới dành cho sự khám phá từ cảnh trí thiên nhiên đến phiêu lưu mạo hiểm, bức bối ly kỳ, nghẹt thở. Một mối liên hệ giằng kéo giữa nhiều thế hệ với những hệ lụy thời cuộc của các nhân vật.

Đọc "Đi trốn" tôi phải đọc liền mạch. Kiểu đọc ngắt quãng, giải trí khó có thể thu nhận được đủ đầy những gì tác giả chuyển tải. Tạng văn Bình Ca là thế, chữ nghĩa không uốn éo làm văn cầu kỳ nhưng cũng không hề đơn giản dễ dãi, tác giả chủ động và kiểm soát từ vựng một cách tuyệt đối chính xác.

Khó có thể bắt bẻ được lỗi chữ của Bình Ca. Từ "Quân khu Nam Đồng" vắt sang "Đi trốn" đều là một mạch văn cho dù tiết tấu lúc nhanh lúc chậm nhưng ngồn ngộn chi tiết đời sống với đủ mọi cung bậc trong đó đậm nét sự thông minh hài hước khiến độc giả khó lòng rời bỏ cuốn sách dang dở giữa chừng.

Cắt nghĩa điều này không khó, đọc liền mạch chỉ là vì quá hấp dẫn. Tiêu chí "hay" của tôi trước mỗi tác phẩm văn học quan trọng nhất là sự xúc động. Không ít đoạn của “Đi trốn” khiến tôi rơi nước mắt.

[Ra mắt tiểu thuyết ''Đi trốn'' và giao lưu với tác giả Bình Ca]

"Đi trốn" có thể được coi là ký ức của chính tác giả về tuổi thơ khốc liệt nhưng cũng có thể là câu chuyện của một chứng nhân. Nếu như ở "Quân khu Nam Đồng" ta gặp một câu chuyện cuồn cuộn dòng chảy ký ức của tác giả về một thời xa lắc và Bình Ca chính là một nhân vật xuyên suốt trong đó, thì ở "Đi trốn" tôi nhận ra có hai Bình Ca nhập cuộc. Đúng hơn là sự phân thân của tác giả.

"Quân khu Nam Đồng" tác giả viết bằng cảm xúc trải nghiệm một cách hồn nhiên trong sáng nhất của một người trong cuộc thì ở "Đi trốn" Bình Ca đứng ngoài tác phẩm bằng một tâm thế tỉnh táo vẫn ăm ắp cảm xúc nhưng đầy lý tính.

Bình Ca thứ nhất hóa thân vào nhân vật, cùng họ làm nên cuộc hành trình lịch sử về một mốc thời gian hiếm hoi trong cái khuôn một cuộc đi trốn để tạo ra câu chuyện về tuổi thơ thần tiên với những khám phá vẻ đẹp chân thật chính con người họ, thế hệ họ và nữa là cái đích mô tả một vùng di sản độc đáo với những hang động, sông suối, rừng núi, muông thú, chim chóc…của mẹ thiên nhiên dành cho con người.

Còn Bình Ca thứ hai, tôi coi đây là một bước tiến nghệ thuật của nhà văn. Bình Ca xuất hiện trong vai trò chứng nhân lịch sử. Ta gặp ở mỗi chương, đoạn những nhận xét trực diện về nhân vật, hé mở tương lai của họ đưa nhân vật từ quá khứ trở về với hiện tại. Không chỉ bó gọn ở cuộc đời các nhân vật, tác giả tài tình gửi gắm vào đó hoàn cảnh xuất thân của họ.

Đó là gia đình là gốc rễ của thế hệ cha anh chịu ảnh hưởng nhiều nhất những biến động của thời cuộc của lịch sử. Một ông tướng chịu sự phán xét tư tưởng sai lệch bị nghi xét lại dẫn đến hàm oan bị tước bỏ mọi quyền lợi và nghĩa vụ để rồi được minh oan nhưng phải nhận cái giá mất mát không nhỏ cho chính bản thân ông và con cái.

Đó là bố của nhân vật Sơn người đia phương suýt bị tử hình trong cải cách ruộng đất may mắn thoát chết nhờ sự can thiệp kịp thời của bố một nhân vât khác trong truyện. Là sự hy sinh của bố mẹ Việt Bắc trong nhiệm vụ nội gián tình báo kháng chiến. Cuộc sống của gia đình này là một bi kịch lớn của chiến tranh. Dẫu cái kết của họ có hậu nhưng những mất mát họ phải nhận không thể đong đếm.

Còn nữa, ấn tượng nhất phải là hoàn cảnh của nhân vật Linh theo ba tập kết sau hòa bình 1954. Hoàn cảnh chồng Bắc, vợ Nam đã tạo ra cảnh chia ly, đoàn tụ đẫm nước mắt của một gia đình kéo theo hệ lụy cho nhiều số phận trong hoàn cảnh chiến tranh chia cắt đất nước.

Tất cả cộng dồn lại thành tấn bi kịch thời đại bó nhiều nét đặc trưng lịch sử. Bình Ca thứ hai đã rất xuất sắc trong thủ pháp đan cài để dựng truyện. Những trang viết ít ỏi của Bình Ca thứ hai tham gia vào câu chuyện nhưng lại nâng tầm của "Đi trốn" để biến cuốn tiểu thuyết viết về thiếu nhi nhưng lại chạm đến những vấn đề lớn của lịch sử trong đó có những sai lầm đau đớn và dĩ nhiên cuốn sách không chỉ bó hẹp trong độc giả nhí mà nó dành cho mọi đối tượng độc giả.

Cái sự hai trong một này thật đắc địa chỉ có ở những nhà văn đủ bút lực và tầm tư tưởng. Sức hút mạnh mẽ từ "Đi trốn" theo tôi nằm chính ở đó cùng những thế mạnh khác của Bình Ca tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm.

Di sản cuộc sống - Đọc "Đi trốn" - Tiểu thuyết của nhà văn Bình Ca ảnh 3Cuốn "Quân khu Nam Đồng" của tác giả Bình Ca phá vỡ nhiều kỷ lục về phát hành sách (Nguồn: Vietnam+)

"Đi trốn" hấp dẫn và chắc chắn được độc giả đón nhận để lặp lại hiện tượng "Quân khu Nam Đồng" 5 năm trước. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của nhà văn.

Nhưng thú thật tôi vẫn tiếc. Tiếc ở sự ôm đồm tư tưởng của Bình Ca khiến cho cuốn sách phần nào mất cân bằng về cảm xúc thụ hưởng thông thường của độc giả. Nhân vật cũng vậy, trọng tâm câu chuyện dồn vào Tự Thắng, Thảo, Sơn vì thế làm nhẹ đi những nhân vật còn lại trong đó tiếc nhất là nhân vât Linh, một nhân vật theo tôi có tính cách sắc nét nhất, cá tính nhất nhưng không được tác giả theo đuổi đến tận cùng.

Cái chết của Sơn biết là hợp lý nhưng tôi vẫn thấy thiêu thiếu điều gì đó tựa như chưa đủ sức nặng để lay thức được nhiều hơn, ấn tượng hơn, thuyết phục độc giả.

Chỉ là cảm nhận của một người đọc thông thường trước một tác phẩm nhưng trong suy nghĩ của một người cầm bút, tôi cho rằng "Đi trốn" là cuốn sách hiếm hoi tạo dựng được sức hút cũng như ồn ào dư luận trong mặt bằng văn học tĩnh lặng hiện nay. Đã có không ít cuốn sách viết về hướng hồi ức tuổi thơ nhưng "Đi trốn" chạm vào được nỗi niềm vào quá vãng vào những gì của một thời tuổi trẻ mỗi người. Đó là thành công là giá trị của một tác phẩm văn học đích thực.

Gập lại "Đi trốn," tôi bị choáng ngợp bởi những gì tạo hóa, thiên nhiên dựng lên một vùng đất đã trở thành di sản thế giới dành cho con người thụ hưởng.

Và nhà văn Bình Ca bằng tình yêu bằng trải nghiệm bằng chữ nghĩa dựng lên thành công một câu chuyện về chính con người trong di sản ấy. Một di sản của di sản.

Di sản cuộc sống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục