Theo số liệu thống kê của trường đại học John Hopkins, Anh là nước đầu tiên tại châu Âu có số ca tử vong do COVID-19 vượt ngưỡng 50.000 người, tiếp theo là Italy với 42.330 trường hợp và Pháp đứng thứ ba với 40.987 người.
Nước Anh đã chạm đến mốc mới trong cuộc chiến chống lại COVID-19 khi chính phủ Anh ngày 11/11 công bố số ca tử vong do COVID-19 tại nước này là 50.365 người, số ca tử vong trong vòng 24 giờ lập kỷ lục mới là 595 người.
Những con số này đến trong bối cảnh nước Anh đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ hai với mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với đợt một hồi cuối tháng 3/2020.
Chính phủ Anh cho biết 595 ca tử vong này là những người đã bị thiệt mạng sau khi phát hiện ra mắc COVID-19 trong vòng 28 ngày.
Theo cách tính toán của Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh (ONS) kết hợp với các số liệu từ các nguồn khác thì số ca tử vong liên quan tới COVID-19 tại Anh là cao hơn rất nhiều lên tới gần 65.000 trường hợp.
[Cảnh báo tình trạng mắc các bệnh về tâm thần ở bệnh nhân COVID-19]
Tính đến 10 giờ sáng 10/11 tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Anh là 1.256.725.
Thủ tướng Anh, ông Boris Johns, đã chia sẻ cảm xúc sau khi con số đáng buồn trên được chính phủ công bố. Ông nói: "Mỗi cái chết là một bi kịch. Chúng ta để tang tất cả những ai đã ra đi."
Tiến sỹ Yvonne Doyle, Giám đốc Y tế vùng England, cho biết: "Đáng buồn là xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong vài tuần tới, trước khi các biện pháp hiện nay phát huy tác dụng."
Ông cũng kêu gọi người dân hãy hạn chế tiếp xúc để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm, tiến tới có thể kiểm soát được virus này.
Tiến sỹ Chaand Nagpaul, Chủ tịch Hiệp hội Y học Anh (BMA), nhận xét con số tử vong cho thấy một chỉ số tồi tệ kinh khủng trong việc chuẩn bị và tổ chức đối phó COVID-19 của chính phủ, những biện pháp kiểm soát dịch không hiệu quả, cộng với việc luôn đưa ra thông điệp muộn màng và nhiều khi gây đến hiểu nhầm cho người dân của chính phủ.
Lãnh đạo của Công đảng đối lập Sir Keir Stammer nhận xét đây là bước ngoặt thật đáng buồn, Anh đã trở thành nước đầu tiên trong châu Âu có số ca tử vong nhiều nhất. Đằng sau con số này là những tổn thất to lớn của những gia đình có người thân bị mất.
Ông cũng chỉ trích chính phủ "chậm chạp" trong giai đoạn 1 của dịch bệnh và cũng không lấy làm đó làm bài học kinh nghiệm mà tiếp tục để cho tình trạng tồi tệ xảy ra ở giai đoạn 2 này.
Chính phủ Anh lên kế hoạch sẵn sàng chuẩn bị chương trình tiêm vắcxin COVID-19
Hệ thống y tế NHS của Anh đang nỗ lực chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm chủng vắcxin COVID-19 cho tất cả người lớn tại vùng England với mục tiêu sẽ tiêm cho 5.000 người/ngày.
Trước mắt, nhân viên y tế bệnh viện sẽ phối hợp cùng với các bác sỹ gia đình, ngoài 1560 các trung tâm tiêm chủng sẵn có, sẽ trưng dụng thêm các địa điểm như các sân vận động có mái, tòa nhà hội đồng khu vực, trung tâm hội nghị để làm nơi tiến hành tiêm chủng, trước mắt sẽ là tiêm cho được khoảng 2000 người/ngày.
Các trung tâm này sẽ đóng vai trò chủ chốt trong giai đoạn 2 của chiến dịch tiêm chủng.
Giai đoạn một sẽ thực hiện tiêm chủng cho 22 triệu người, mỗi người 2 liều, đó là những người sống trong nhà dưỡng lão, nhân viên y tế và những người trên 50 tuổi, đây là những người thuộc nhóm ưu tiên hàng đầu.
Mỗi cơ sở tiêm chủng sẽ được cung cấp từ 150-200 liều vắcxin/ngày, mọi người sẽ được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào tiêm, sau khi tiêm, sẽ ngồi nán lại 15 phút để đợi phục hồi sau tiêm.
Chính phủ Anh cho biết họ muốn thực hiện chiến dịch tiêm chủng đại trà này càng nhanh càng tốt để mọi người sớm có thể quay lại nhịp sống bình thường trước đây, và Anh có thể sớm mở cửa lại nền kinh tế.
Ông Jonathan Van-Tam, phó trưởng y tế vùng England, cho biết đây là một trong những chương trình tiêm chủng quan trọng nhất, nếu không muốn nói nói đây là chương trình tiêm chủng quan trọng nhất tại Anh trong nhiều thập kỷ qua.
Cơ quan y tế NHS vùng England đang nỗ lực thông qua chi tiết kế hoạch tiêm chủng này để sẽ công bố cụ thể vào tuần tới. Kế hoạch sẵn sàng để khi nào có vắcxin là có thể tổ chức tiến hành tiêm ngay lập tức.
Một số báo cáo cho rằng kế hoạch tiêm vắcxin có thể bắt đầu sớm nhất là ngày 1/12, nhưng nguồn tin từ chính phủ Anh và NHS đều cho rằng còn quá sớm để nói như vậy, và nhiều khả năng là chưa thể cung cấp được Pfizer vắcxin ngay từ đầu tháng 12 hay loại vắcxin đang được phát triển bới trường đại học Oxford với công ty Astra Zeneca của Anh.
Vắcxin COVID-19 được cho rằng có thể đến với chương trình tiêm chủng vào đầu năm 2021.
Vắcxin Pfizer được sản xuất tại nhà máy của họ tại Puurs (Bỉ). Anh đã mua 40 triệu liều vắcxin này. Dự kiến, mỗi ngày, họ sẽ vận chuyển được 1.500 liều bằng được hàng không đến Anh.
Vắcxin khi vận chuyển sẽ được để bảo quản trong tủ đông lạnh đặc biệt của y tế giữ lạnh ở nhiệt độ âm 70 độ và giữ được trong 10 ngày. Khi về đến Anh các liều vắcxin này được chuyển sang các tủ bảo quản y tế giữ ở nhiệt độ từ -2 đến -8 độ C và bảo quản được trong 5 ngày.
Chính phủ Anh cũng đã chi ra 50 triệu bảng để chuẩn bị cho nhà máy sản xuất vắcxin do Anh sản xuất đặt tại Wales, để sản xuất vắcxin COVID-19 của trường Oxford và công ty Astra Zeneca.
Thúc đẩy nhanh tiến hành xét nghiệm COVID-19 đại trà
Bên cạnh việc chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm vắcxin khi được cấp phép, chính phủ Anh tuần trước đã cho tiến hành thử xét nghiệm COVID-19 đại trà tại Liverpool.
Thị trưởng thành phố Liverpool, ông Joe Anderson, cho biết đến nay đã có 44.000 người dân thành phố tham gia chương trình tự nguyện xét nghiệm.
Hiện nay, chính phủ Anh đang có kế hoạch hỗ trợ kiểm tra xét nghiệm cho tất cả sinh viên trước khi về nhà nghỉ lễ Giáng sinh do lo ngại những sinh viên có thể nhiễm bệnh tại trường và truyền lây cho cha mẹ, ông bà khi về nghỉ Giáng sinh.
Tuy nhiên hiện nay thỏa thuận này vẫn chưa được chính thức ký với các trường đại học, trong khi một số ý kiến cho rằng khó có thể thực hiện làm xét nghiệm cho tất cả 100% sinh viên.
Theo kế hoạch sinh viên sẽ có khoảng thời gian là 6 ngày từ 3-9/12 để kiểm tra xét nghiệm, nếu không bị nhiễm sẽ được về nhà nghỉ Giáng sinh, nếu ai nhiễm sẽ phải ở lại trường cách ly 10 ngày.
Số ca nhiễm COVID-19 trong sinh viên đang có chiều hướng giảm, số ca mắc COVID-19 của sinh viên hạ xuống chỉ còn chiếm 2% trong tổng số ca nhiễm mới tuần trước.
Thời kỳ đỉnh điểm mắc của sinh viên là cuối tháng 9 đầu tháng 10/2020, có tuần tỷ lệ nhiễm chiếm tới khoảng trên dưới 10% tổng số ca nhiễm trong cả nước.
Nước Anh hiện đang trong 4 tuần áp dụng lệnh phong tỏa lần thứ hai kể từ khi xảy ra đại dịch đến nay. Anh đã cho dừng tất cả các chuyến bay thương mại trong nước và quốc tế của họ.
Mọi nhập cảnh vảo Anh đều phải tự cách ly 14 ngày tại nhà, nếu vi phạm bị phát hiện sẽ bị mức phạt 200 bảng lần đầu.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết năm nay nước Anh sẽ có một mùa Giáng sinh "rất rất khác thường" do những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tại Anh.
Ông kêu gọi người dân Anh hãy nghiêm chỉnh chấp hành các quy định giãn cách xã hội để hy vọng đến Giáng sinh mọi người có thể đoàn tụ gia đình, không bị cấm tụ họp, gặp gỡ như hiện nay.
Do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Giáo dục xứ Wales ngày 11/11 công bố kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở GCSE và hệ dự bị đại học A level năm 2021 bị hủy, thay vào đó sẽ là hình thức xét tuyển dựa trên nhận xét chấm điểm học hàng ngày của giáo viên.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục vùng England từng cho biết các kỳ thi GCSE và Alevel năm học 2021 tại vùng này sẽ thi chậm lại khoảng 3 tuần do với kế hoạch ban đầu.
Tại Anh, quyết định chính sách giáo dục sẽ do từng vùng quy định, chính phủ không có quyền can thiệp.
Tình trạng thất nghiệp, sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm trong các năm 2021 và 2022 được cảnh báo sẽ tồi tệ hơn cả thời kỳ khủng hoảng năm 2008 tại Anh./.