Dịch COVID-19: Chiến dịch ''Bảo vệ bố mẹ'' thiết thực tại Thái Lan

Trong chiến dịch “Bảo vệ bố mẹ,” Bộ Y tế Thái Lan kêu gọi thanh niên hạn chế tiếp xúc gần hoặc không đến thăm bố mẹ đã cao tuổi mà nên giao tiếp trực tuyến, nhất là khi Tết Songkran đang đến gần.
Nhân viên kiểm tra thân nhiệt của người dân tại một trạm kiểm soát ở Bangkok, Thái Lan ngày 26/3/2020, trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên kiểm tra thân nhiệt của người dân tại một trạm kiểm soát ở Bangkok, Thái Lan ngày 26/3/2020, trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, nhà chức trách y tế Thái Lan vừa phát động một chiến dịch có tên gọi “Bảo vệ bố mẹ” (Save Parents), kêu gọi con cái tránh đến thăm bố mẹ và người cao tuổi trong gia đình trong dịp Tết cổ truyền Songkran hay còn gọi là Lễ hội té nước sắp tới.

Bộ Y tế Thái Lan cho biết nhà chức trách y tế muốn đảm bảo rằng trong dịp Tết Songkran, người cao tuổi được an toàn trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang hoành hành. Do đó, thanh niên, nhóm có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 nhiều nhất nước, nên tham gia cuộc vận động nói trên nhằm bảo vệ nhóm người cao tuổi dễ bị tổn thương.

Chiến dịch “Bảo vệ bố mẹ” được phát động khi Tết Songkran đang đến gần. Dù chính phủ đã hoãn các kỳ nghỉ quốc gia và những lễ hội té nước trên toàn quốc, nhưng quan chức cấp cao của Bộ Y tế Thái Lan Panpimol Wipulakorn dự báo tại lễ phát động hôm 6/4 rằng một số người vẫn muốn về nhà và thăm bố mẹ, thậm chí có thể vi phạm lệnh cấm té nước.

Bà Panpimol kêu gọi thanh niên hạn chế không đến thăm bố mẹ đã cao tuổi, thay vào đó là giao tiếp bằng phương pháp trực tuyến. Những ai sống cùng người cao tuổi trong gia đình nên tránh tiếp xúc gần, đặc biệt là ôm và té nước vào người cao tuổi.

Thống kê của Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 Thái Lan (CCSA) cho thấy tương tác xã hội với các thành viên trong gia đình là nguyên nhân chủ yếu khiến cho người cao tuổi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Khoảng 35% bệnh nhân ở vùng đô thị Bangkok có độ tuổi từ 60 tuổi trở lên nhiễm SARS-CoV-2 từ các thành viên trong gia đình, 21% từ bạn bè, 16% từ những nơi thường đến (quán càphê, cửa hàng…), 22% từ đồng nghiệp và những người còn lại từ các nguồn chưa được xác định.

Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận trong số những người cao tuổi ở những tỉnh khác.

[Dịch vụ xét nghiệm COVID-19 trên xe ở Thái Lan bắt đầu "nở rộ"]

Với khoảng 94% dân số theo Phật giáo, Thái Lan và nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia và Myanmar đón Năm mới theo Phật lịch và từ "Songkran" xuất phát từ tiếng Phạn có nghĩa là "lúc thời gian chuyển dịch” hàm ý về sự đổi mới, phát triển.

Ngoài ra, lễ hội cũng là một hoạt động văn hóa liên quan đến chu kỳ sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam Á.

Tháng trước, Chính phủ Thái Lan quyết định hoãn kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran từ ngày 13-15/4 nhằm đảm bảo giãn cách xã hội và hạn chế sự di chuyển của người dân cả trong nước và du khách quốc tế. Thời điểm nghỉ bù sẽ được công bố sau.

Trong ngày 8/4, Thái Lan đã công bố thêm 111 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 3 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 2.369 bệnh nhân và tổng số ca tử vong lên 30 người.

Trước đó, số ca nhiễm mới trong ngày đã giảm xuống 38 ca ngày 7/3 và 51 ca ngày 6/3 sau nhiều ngày lo lắng về sự gia tăng ở mức 3 con số. Thực tế này khiến chính phủ lạc quan đã có thể bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh.

Người phát ngôn Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19, bác sỹ Taweesin Visanuyothin , cho biết trong số các ca mới xác nhận có 42 ca là người Thái Lan theo đạo Hồi trở về từ Indonesia sau khi tham gia các lễ hội tôn giáo.

Ông cũng khuyến cáo người dân ở trong nhà vì có thể có tới 69 ca mới mắc bệnh ở trong nước.

Đến nay, Bangkok là địa phương có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 nhất ở Thái Lan, với 1.223 bệnh nhân, tiếp theo là tỉnh lân cận Nonthaburi (Non-tha-bu-ri) với 41 ca và hòn đảo du lịch Phuket 140 ca./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục