Doanh nghiệp là yếu tố tạo nên thành công của Thương hiệu quốc gia

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, do điều kiện đầu tư của nhà nước còn hạn chế, việc tham gia chủ động của doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để chương trình Thương hiệu quốc gia đạt kết quả.
Doanh nghiệp là yếu tố tạo nên thành công của Thương hiệu quốc gia ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)

Việc xây dựng, quảng bá thương hiệu đang là một vấn đề hết sức nóng bỏng và cấp thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2015 đã giảm 19% so với năm 2014, là một dấu hiệu cho thấy việc xây dựng thương hiệu cần nhiều giải pháp hơn nữa.

Bên lề Diễn đàn Thương hiệu quốc gia lần thứ 9, do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (11/3), tại Hà Nội, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Thương hiệu quốc gia) đã trao đổi với phóng viên một số nội dung liên quan đến việc xây dựng thương hiệu quốc gia.

- Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại (FTA), vấn đề xây dựng Thương hiệu của Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Huy Sơn: Trong bối cảnh nền kinh tế đang chuẩn bị bước vào giai đoạn hội nhập ngày càng sâu sắc hơn với việc tham gia thực hiện các thỏa thuận Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay FTA Việt Nam-EU... thì việc phát triển thương hiệu trong một thị trường cạnh tranh gay gắt ​ngày càng trở nên cấp thiết hơn.

Điều này sẽ tạo điều kiện để nâng cao giá trị xuất khẩu của các hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam đồng thời đảm bảo tính bền vững khi tham gia cạnh tranh tại thị trường quốc tế.

Ở đây tôi phải nhấn mạnh thêm rằng, không chỉ phục vụ cho quá trình cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà ngay cả trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại thị trường trong nước thì việc xây dựng và khẳng định thương hiệu các sản phẩm cũng mang giá trị và ý nghĩa không hề thua kém đối với cạnh tranh trên thị trường nước ngoài.

Do vậy chương trình Thương hiệu quốc gia sẽ hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp phát triển và quảng bá các thương hiệu của mình tại thị trường trong và ngoài nước.

- Nhiều chuyên gia cho rằng, các thương hiệu quốc gia của Việt Nam còn yếu, vậy trong thời gian tới Cục Xúc tiến Thương mại có những giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp?

Ông Bùi Huy Sơn: Đánh giá của các chuyên gia quốc tế dựa trên những nguồn thông tin mà họ tiếp cận, do vậy có lúc này, lúc kia không hoàn toàn đã sát với thực tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng tôi có nhận định rằng, Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng nền kinh tế thị trường có định hướng Xã hội chủ nghĩa cũng mới gần đây, nếu so với các nền kinh tế khác ở châu Âu hay Bắc Mỹ với hàng trăm năm lịch sử xây dựng kinh tế thị trường thì chúng ta còn rất mới.

Và đặc biệt trong điều kiện nguồn lực của nhà nước thì chương trình Thương hiệu quốc gia được Chính phủ phê duyệt và giao cho Bộ Công Thương thực hiện mới bước sang năm thứ 13, do vậy khả năng hỗ trợ để doanh nghiệp trong nước thực sự lớn mạnh và có được tiếng vang lớn trên thị trường thế giới nó cũng còn hết sức hạn chế và điều đó hết sức dễ hiểu.

Trong nỗ lực của Cục Xúc Tiến Thương mại thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ Công Thương thì chương trình cũng nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do điều kiện đầu tư của nhà nước còn hạn chế thì việc tham gia chủ động, tích cực của chính các doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện tiên quyết để chương trình Thương hiệu quốc gia đạt kết quả.

Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động rất thiết thực để hỗ trợ các doanh nghiệp trong đó, tập trung hỗ trợ nâng cao nhận thức về công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước.

Đồng thời tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hỗ trợ chia sẻ thông tin, kết nối với hệ thống các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để giúp các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam có điều kiện phát triển và quảng bá thương hiệu của mình.

Doanh nghiệp là yếu tố tạo nên thành công của Thương hiệu quốc gia ảnh 2Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại-Bộ Công Thương (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu một lượng nông sản rất lớn, nhưng đến thời điểm này thương hiệu cho nông sản vẫn còn bỏ ngỏ. Việc này đang gặp trở ngại gì, thưa ông?

Ông Bùi Huy Sơn: Chương trình Thương hiệu quốc gia mà Chính phủ giao cho Bộ Công Thương thực hiện nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nói chung, trong đó có nhóm các sản phẩm nông sản. Còn việc xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm cụ thể sẽ có những đơn vị khác cùng thực hiện.

Ví dụ, chúng ta cũng đã nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo, cá basa, cũng như một số nhóm nông sản khác... hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang chủ trì và triển khai tích cực.

Xây dựng thương hiệu gắn trực tiếp với các sản phẩm rất cụ thể. Trên thực tế chúng ta đang rất cố gắng nhưng cũng có hạn chế nhất định, không chỉ về nguồn lực mà còn do đặc thù các sản phẩm của chúng ta tương đối phân tán nên việc xây dựng được thương hiệu chung rất khó khăn.

Thời gian tới, trong khuôn khổ chương trình Thương hiệu quốc gia là xây dựng, quảng bá thương hiệu chung cho các sản phẩm của Việt Nam thì Cục Xúc tiến Thương mại sẽ dành những hỗ trợ hết sức cụ thể cho những doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, thủy sản, để hỗ trợ cho quá trình tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và đặc biệt là gắn với việc xây dựng và quảng bá thương hiệu của chính các sản phẩm đó.

Chúng tôi cũng gắn rất chặt với chương trình Quản lý chất lượng quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, đồng thời phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản xây dựng, đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông sản.

Riêng sản phẩm nông sản thì việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa hết sức to lớn, đây là đặc thù để giúp các sản phẩm khẳng định chất lượng của mình, để được ghi nhận và nhận biết, cũng như khẳng định tại thị trường trong và ngoài nước.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục