Doanh nghiệp Trung Quốc phát hành trái phiếu kỳ hạn 30 năm với lãi suất 3%

Trong bối cảnh lãi suất tiếp tục giảm tại Trung Quốc, thị trường trái phiếu đang thiếu các loại tài sản chất lượng đem lại lợi nhuận cao, và trái phiếu kỳ hạn siêu dài là một trong số các phương án.

Số tiền bán trái phiếu kỳ hạn 30 năm sẽ được China Chengtong dùng để trả nợ hiện tại. (Ảnh: Caixin Global)
Số tiền bán trái phiếu kỳ hạn 30 năm sẽ được China Chengtong dùng để trả nợ hiện tại. (Ảnh: Caixin Global)

China Chengtong Holding Group, công ty quản lý vốn thuộc sở hữu nhà nước, mới đây đã phát hành một hạng mục trái phiếu kỳ hạn 30 năm trị giá 1 tỷ nhân dân tệ (139 triệu USD).

Đây là trái phiếu tín dụng kỳ hạn siêu dài đầu tiên được phát hành trong những năm gần đây.

China Chengtong cho biết số tiền thu được từ việc bán trái phiếu này, với lãi suất 3,35%, sẽ được dùng để trả nợ hiện tại.

Các loại trái phiếu phi tài chính với thời gian đáo hạn trên 7 năm thường được phân loại là trái phiếu tín dụng kỳ hạn siêu dài.

Các doanh nghiệp nhà nước lớn, trong đó có các “ông lớn” dầu mỏ như PetroChina và Sinopec, trước đây đã từng phát hành trái phiếu dạng này với lãi suất khoảng 5%. Nhưng trái phiếu kỳ hạn 30 năm với lãi suất trong khoảng 3% thì rất hiếm gặp, vì sự chênh lệch về lãi suất giữa trái phiếu ngắn hạn và dài hạn lúc này là quá thấp.

Trái phiếu nói trên của Chengtong, được Ngân hàng Shanghai Pudong Development Bank bảo lãnh, đã nhận được lượng đăng ký mua trị giá 2,35 tỷ nhân dân tệ từ 19 nhà đầu tư, trong số này có 13 nhà đầu tư thực sự đã mua 1,61 tỷ nhân dân tệ trái phiếu nói trên.

Các trái phiếu kỳ hạn siêu dài này thường thu hút các nhà đầu tư như các công ty bảo hiểm lớn.

China Chengtong nổi bật với xếp hạng nợ và tín dụng ở mức cao nhất AAA. Tính đến cuối quý 3/2023, công ty này có khối tài sản trị giá 598 tỷ nhân dân tệ và tỷ lệ nợ 54,07%.

Trong giai đoạn từ quý 1-3/2023, China Chengtong ghi nhận doanh thu 46,3 tỷ nhân dân tệ, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, và lợi nhuận ròng 4,07 tỷ nhân dân tệ, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2022.

Sau sự suy giảm trong kết quả tài chính này, China Chengtong đã phát hành 16 trái phiếu kỳ hạn siêu dài trong năm nay, qua đó huy động được tổng cộng 36 tỷ nhân dân tệ, với mức lãi suất trung bình dưới 3,5%, thấp hơn 0,46 điểm phần trăm so với mức lãi suất trung bình của các trái phiếu được phát hành trong năm ngoái.

dong nhan dan te.jpg
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trái phiếu tín dụng kỳ hạn siêu dài có quy mô còn khá nhỏ trên thị trường trái phiếu Trung Quốc. Tổng lượng trái phiếu tín dụng kỳ hạn siêu dài của Trung Quốc ở mức 679,7 tỷ nhân dân tệ, chỉ chiếm 2,5% tổng tổng trái phiếu tín dụng doanh nghiệp phi tài chính, theo dữ liệu của Công ty Guosen Securities.

Bên phát hành các loại trái phiếu này đa phần là những công ty xếp hạng AAA.

Trong bối cảnh lãi suất đang tiếp tục giảm tại Trung Quốc, thị trường trái phiếu đang thiếu các loại tài sản chất lượng đem lại lợi nhuận cao. Và trái phiếu kỳ hạn siêu dài là một trong số ít các phương án còn lại.

Bên cạnh các doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính trung ương, các cơ chế cấp vốn và các doanh nghiệp thuộc sở hữu của các chính quyền địa phương cũng đón đầu xu hướng này với các loại trái phiếu tín dụng kỳ hạn siêu dài.

Trước đó trong tháng này, Hangzhou City Construction Investment Group đã phát hành 3 triệu nhân dân tệ trái phiếu kỳ hạn 20 năm với lãi suất 3%.

Trước đó, Công ty Capital Operation Management ở Bắc Kinh ngày 18/3 cũng phát hành 1 tỷ nhân dân tệ trái phiếu kỳ hạn 20 năm với mức lãi suất thậm chí còn thấp hơn, 2,95%.

Các đợt phát hành này cho thấy nhu cầu thị trường ngày càng gia tăng đối với các công cụ nợ có kỳ hạn siêu dài, bất kể lãi suất thấp.

Trong thời gian qua, các nhà đầu tư đã đón nhận những thông tin tích cực về tình hình kinh tế Trung Quốc.

Ngày 18/3, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố một loạt báo cáo kinh tế, phản ánh những dấu hiệu tăng trưởng tích cực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Số liệu của NBS cho thấy tổng sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng của Trung Quốc, một chỉ số kinh tế quan trọng, đã tăng 7% trong 2 tháng đầu năm nay. Tốc độ tăng trưởng này nhanh hơn 0,2 điểm phần trăm so với tháng 12/2023.

Trên cơ sở tháng, sản lượng công nghiệp trong tháng 2/2024 tăng 0,56% so với tháng trước đó.

Sản lượng công nghiệp là chỉ dấu đo lường hoạt động của các doanh nghiệp có doanh thu kinh doanh hằng năm tối thiểu là 20 triệu nhân dân tệ (khoảng 2,82 triệu USD).

Trong cùng giai đoạn, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc, một chỉ số quan trọng phản ánh sức mạnh tiêu dùng của cả nước, đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong giai đoạn này, doanh số bán lẻ ở các khu vực thành thị của Trung Quốc tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số bán lẻ tại các khu vực nông thôn tăng 5,8%.

Doanh số bán lẻ trực tuyến tăng vọt 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị được khảo sát tại Trung Quốc ở mức 5,3% trong hai tháng đầu năm.

Tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở khu vực thành thị được khảo sát tại Trung Quốc là 5,3% trong hai tháng đầu năm 2024.

Theo NBS, tình hình việc làm của Trung Quốc nhìn chung ổn định trong giai đoạn này.

ngan hang trung uong trung quoc.jpg
Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tại Bắc Kinh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) "bơm" thêm thanh khoản thông qua nghiệp vụ repo đảo ngược.

Cụ thể, PBoC đã thực hiện nghiệp vụ repo đảo ngược 7 ngày trị giá 10 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,41 tỷ USD) với lãi suất 1,8% vào ngày 18/3, động thái này nhằm duy trì thanh khoản trong hệ thống ngân hàng ở mức hợp lý và dồi dào.

Repo đảo ngược là một quá trình mà ngân hàng trung ương mua chứng khoán từ các ngân hàng thương mại thông qua đấu thầu, với thỏa thuận bán lại chúng trong tương lai.

Trung Quốc đặt mục tiêu tạo thêm 12 triệu việc làm mới ở khu vực đô thị trong năm nay và duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị ở mức khoảng 5,5%. Nước này cũng sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và chính sách tài khóa chủ động, với tỷ lệ thâm hụt ngân sách tính trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2024 dự kiến khoảng 3%.

Để cải thiện môi trường tiêu dùng trong nước, Trung Quốc sẽ triển khai chương trình kích thích tiêu dùng trong năm 2024.

Việc phát triển chất lượng cao dựa trên đổi mới sáng tạo cũng sẽ được thúc đẩy, trong đó các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều đóng vai trò quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa đất nước.

Về quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, báo cáo nêu rõ Trung Quốc sẽ thúc đẩy cuộc cách mạng về năng lượng, hướng tới việc phát triển nền kinh tế xanh, phát thải ít carbon và bảo vệ môi trường.

Trung Quốc sẽ củng cố và nâng cao vị thế dẫn đầu trong các ngành công nghiệp như phát triển phương tiện chạy bằng năng lượng mới và sử dụng công nghệ thông minh.

Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nghiên cứu phát triển công nghệ mang tính tiên phong và đột phá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục