Dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Cắt giảm mạnh thủ tục hành chính

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày.
Dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Cắt giảm mạnh thủ tục hành chính ảnh 1Quang cảnh phiên họp của Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 26/5, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ sáu theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội.

Trong phiên làm việc sáng, các đại biểu Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Mục tiêu xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là Kết luận số 56-KT/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị; cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với chính sách pháp luật bảo vệ môi trường trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

[“Cần hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường một cách tổng thể”]

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được tiếp thu, hoàn thiện gồm 16 chương, 186 điều. Dự thảo Luật cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày; góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường...

Phần lớn thời gian họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Cắt giảm mạnh thủ tục hành chính ảnh 2Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Các ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung quy định tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội; việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; việc đổi tên 2 ủy ban của Quốc hội; về trách nhiệm của thành viên Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong việc tham dự phiên họp toàn thể…

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung: phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật; về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội; về địa vị pháp lý, vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội trong hệ thống chính trị ở địa phương; về bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội; về cơ cấu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; về việc chuyển các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội...

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, đây là một dự án luật quan trọng, được cử tri và các vị đại biểu Quốc hội rất quan tâm.

Quốc hội dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 9, nhưng do còn có nhiều ý kiến chưa được phát biểu và cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cũng cần làm rõ thêm. Vì vậy, Đoàn Chủ tịch chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội bố trí thêm thời gian trong Chương trình kỳ họp này để đại biểu Quốc hội phát biểu đầy đủ, rõ hơn về các nội dung của dự án luật này.

Trong phiên họp chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp trực tuyến tại hội trường nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. Đa số ý kiến thống nhất với các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tập trung cho ý kiến về một số nội dung như: về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; về áp dụng Luật Đầu tư và các Luật có liên quan; chính sách về đầu tư kinh doanh; về ngành, nghề cấm đầu tư kinh; về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; về hình thức và đối tượng và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư; về hình thức hỗ trợ đầu tư; về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; những vấn đề liên quan đến bảo đảm quốc phòng, an ninh; về điều khoản chuyển tiếp…

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, các đại biểu cơ bản thống nhất với các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, tại phiên thảo luận các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về một số nội dung của dự án Luật.

Các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo tiếp thu, giải trình trước Quốc hội để xem xét, thông qua.

Ngày mai, Quốc hội họp trực tuyến tại Nhà Quốc hội để xem xét về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục