Dự báo thế giới 2020: Venezuela và điệp khúc buồn

Nhiều khả năng 2020 sẽ lại là một năm điệp khúc buồn của Venezuela khi cuộc giằng co chính trị cùng các biện pháp dân túy kiểu “ăn sổi” được đặt lên trên những giải pháp kinh tế thực chất và dài hạn.
Dự báo thế giới 2020: Venezuela và điệp khúc buồn ảnh 1Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Venezuela tại Caracas. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bình luận của tạp chí Question (Venezuela), những hành động trong những ngày đầu tháng Một đã cho thấy vị “tổng thống lâm thời” tự xưng Juan Guaidó, giống như một "ngôi sao đang xịt," giờ đây chỉ còn “tỏa sáng” bằng hào quang của quá khứ.

Những gắng gượng của Washington trong việc níu giữ nhân vật này tại vị trí lãnh đạo Quốc hội Venezuela - giờ đây không chỉ trong tình trạng bị đình chỉ hoạt động mà còn có tới 2 ban lãnh đạo - cũng chỉ tiếp được cho “ngôi sao 2019” này chút “dưỡng khí” chính trị.

Những màn diễn xuất của ông Guaidó trước truyền thông, chẳng hạn như nhảy qua hàng rào tòa nhà Quốc hội hay xúc phạm lực lượng an ninh, giờ đây chẳng những không thể mang lại chút cảm xúc nào cho người dân bên trong Venezuela, mà cũng chẳng còn tạo tiếng vang ở bên ngoài.

Đó là đặc điểm chính của những sự kiện rối rắm từ ngày 5-7/1 vừa qua tại trụ sở Quốc hội Venezuela. Phe đối lập còn chẳng buồn vận động trong ngày 5/1, ngày bầu chọn ban lãnh đạo lập pháp mới, và cũng không muốn lay động ai trong hàng ngũ cử tri của mình để “đồng hành” cùng ông Guaidó vào ngày 7/1, khi vị “tổng thống lâm thời” và một số bè cánh của mình muốn đột nhập vào Quốc hội bằng sức mạnh và đuổi đánh “những kẻ phản bội.”

Để chứng minh sự khác biệt, sau đó một tuần, Chính phủ đã tung ra bản thông điệp hàng năm của Tổng thống Nicolas Maduro, một lần nữa được công bố trước Quốc hội lập hiến, và kèm theo một cuộc vận động đông đảo quần chúng ủng hộ tư tưởng Chávez.

[Tổng thống Venezuela mời các tổ chức quốc tế tham gia giám sát bầu cử]

Ngược lại, phe đối lập vẫn chưa khởi động được năm 2020. Trên thực tế, tất cả những chiêu trò vừa qua xuất phát từ việc nhóm 4 chính đảng đối lập lớn (Ý chí nhân dân, Hành động Dân chủ, Công lý trước tiên và Thời đại mới) - nắm nhiều ghế nhất trong Quốc hội đơn viện do phe đối lập kiểm soát - đã không tôn trọng thỏa thuận ban đầu rằng năm cuối của nhiệm kỳ lập pháp lần này sẽ do một đại diện của khối “các đảng nhỏ” đứng ra lãnh đạo (sau khi đại diện của 4 đảng trên đã lần lượt lãnh đạo 4 năm đầu).

Việc Mỹ nỗ lực níu kéo cương vị của ông Guaidó đã dẫn tới bối cảnh hiện tại, mà bối cảnh này gần như chỉ dẫn tới một kết quả duy nhất: Quốc hội tê liệt hoàn toàn cả trên danh nghĩa lẫn thực tế để chờ đợi một cuộc bầu cử cơ quan lập pháp mới, vào một thời điểm nào đó chưa được xác định trong năm nay.

Mọi dấu hiệu tới nay cho thấy nếu Washington vẫn tiếp tục sử dụng "con bài" Guaidó thì 4 chính đảng đối lập lớn nói trên sẽ không tham gia ứng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới, và cơ quan này sẽ lại rơi vào tay của đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất (PSUV) cầm quyền và các đồng minh của họ, cùng một phần đại diện khá đáng kể (xét theo những thỏa thuận về trao thêm ghế cho các lực lượng chính trị thiểu số) của các chính đảng đối lập hiện đang đàm phán với chính phủ trong khuôn khổ bàn đối thoại quốc gia.

Trong toàn cảnh năm 2020, dường như Tổng thống Maduro và Chính phủ của ông sẽ là bên kiểm soát nhịp độ chính trị của Venezuela, trong khi Mỹ sẽ tiếp tục siết chặt “sợi thừng” cấm vận trong mọi lĩnh vực, gia tăng sức ép cả trong và ngoài nước, đồng thời rất có thể ưu tiên các hành vi bạo động.

Còn ông Guaidó - vị tổng thống ảo mà Washington công nhận - sẽ tiếp tục cố gắng vẫy vùng trong những không gian quốc tế ít ỏi còn lại.

Trong khi chính giới Venezuela trải qua những ngày hỗn loạn với các cáo buộc “phản bội” chồng chéo lẫn nhau, dường như phần đông xã hội chỉ chú tâm tới việc vượt qua những khó khăn chồng chất hàng ngày.

Ông Guaidó đã không tận dụng được những cuộc khủng hoảng bùng nổ trong năm 2019, đặc biệt là về điện năng, để tự chứng tỏ mình như một chính trị gia với các giải pháp hữu hiệu.

Trong khi đó, Chính phủ đã nỗ lực can thiệp vào nền kinh tế hơn, dù không có những thành tựu nào nổi bật, song cũng đã giảm bớt những tuyên bố hùng hồn.

Tình trạng đôla hóa nền kinh tế “theo kiểu Venezuela,” đặc biệt mạnh mẽ từ quý 4/2019 và được hiểu như một phần trong chiến lược của Chính phủ nhằm “ngó lơ cho nhân dân tự giải quyết” dường như để hướng tới một mục tiêu rất rõ ràng: tạo thêm sự ủng hộ từ quần chúng trước thềm cuộc bầu cử nghị viện 2020.

Như vậy, nhiều khả năng năm 2020 sẽ lại là một năm mà cuộc giằng co chính trị cùng các biện pháp dân túy kiểu “ăn sổi” được đặt lên trên những giải pháp kinh tế thực chất và dài hạn. Có lẽ Venezuela sẽ lại phải trải qua một điệp khúc buồn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục