Du lịch Khánh Hòa với “bài toán” liên kết các vùng miền

Theo các chuyên gia, cần xác định lợi thế du lịch của Khánh Hòa nói riêng và của từng địa phương trong không gian liên kết vùng duyên hải Nam Trung Bộ để xây dựng “điểm đến” du lịch chung của cả vùng.
Du lịch Khánh Hòa với “bài toán” liên kết các vùng miền ảnh 1Bãi biển Nha Trang. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, Khánh Hòa là một trong số ít địa phương trong cả nước hội tụ được nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển đảo, khi sở hữu hơn 380km bờ biển, nhiều vịnh, đầm, đảo, bãi cát vàng… gắn liền với nhiều danh lam thắng cảnh.

Bên cạnh đó, địa phương này có khí hậu ôn hòa, thời tiết mát mẻ, hầu như nắng ấm quanh năm, khá phù hợp cho nhiều loại hình du lịch phát triển.


Nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Bên cạnh những tài nguyên du lịch biển đảo đặc sắc, Khánh Hòa còn có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp của vùng rừng núi như Ba Hồ, suối Tiên, thác Yang Bay, suối Hoa Lan… từ lâu là các điểm đến rất nổi tiếng, được khách du lịch ưa thích.

Là mảnh đất có bề dày lịch sử với hơn 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, Khánh Hòa còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu như tháp Bà Ponagar, thành cổ Diên Khánh, các lễ hội dân gian như lễ hội cầu ngư, lễ hội Tháp Bà…

Bên cạnh đó, Khánh Hòa có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, đặc biệt là sân bay quốc tế Cam Ranh được mở rộng và cảng biển Nha Trang mỗi năm đón hàng chục tàu du lịch biển đẳng cấp thế giới, nay đang chuẩn bị chuyển sang cảng dành riêng cho du lịch.

Khánh Hòa được xác định là địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, với tư cách là một trong hai trung tâm của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và là một cực quan trọng trong 7 địa bàn trọng điểm du lịch của cả nước là Nha Trang-Ninh Chữ (Bình Thuận) - Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng như “Tam giác tăng trưởng du lịch” khu vực phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh-Đà Lạt-Nha Trang.

Thật hiếm có địa danh nào như thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và thành phố cao nguyên Đà Lạt của Lâm Đồng, đại diện cho hai vùng địa lý và đều trở thành hai trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Sự tương phản về hình thái khiến hai thành phố du lịch này vừa có khả năng bổ trợ cho nhau để tạo nên một quần thể du lịch đầy màu sắc cho du khách, vừa không bị hòa lẫn vào nhau để mất đi bản sắc riêng của mình.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế, thời gian qua du lịch Khánh Hòa luôn có sự tăng trưởng liên tục và có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Năm 2017, lượng du khách đến Khánh Hòa tăng trưởng cao, với trên 5,4 triệu lượt khách, tăng trên 20% so với năm 2016, trong đó khách quốc tế hơn 2 triệu lượt, tăng 68%; thu từ du lịch đạt 17.300 tỷ đồng, tạo 28.000 việc làm trực tiếp.

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa có trên 660 cơ sở lưu trú du lịch với 29.400 phòng, trong đó đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao là 92 cơ sở với hơn 15.000 phòng, chiếm hơn phân nửa tổng số phòng lưu trú; 230 đơn vị kinh doanh lữ hành được cấp phép hoạt động; hệ thống nhà hàng, cơ sở mua sắm hàng lưu niệm, vui chơi, giải trí phát triển và khá đa dạng.

[Khánh Hòa vượt mốc đón hơn 1 triệu lượt du khách quốc tế]

Bên cạnh những kết quả tích cực đáng ghi nhận, một số vấn đề đặt ra cùng với những yếu tố mới nảy sinh trong quá trình phát triển đã có những tác động tiêu cực đến sự phát triển du lịch bền vững ở Khánh Hòa, là tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng, thiếu nguồn nhân lực, gia tăng ô nhiễm môi trường...


"Bài toán" liên kết

Việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương sẽ tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố cùng phát huy, khai thác những lợi thế nổi trội của nhau về tài nguyên du lịch, về vị trí trong giao thương, về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác cho phát triển du lịch. Thế nhưng sự phát triển của ngành du lịch Khánh Hòa đang tồn tại nghịch lý, đó là hầu như tự thân vận động, tự đầu tư và phát triển.

Cách đây gần 7 năm (cuối năm 2012), lần đầu tiên các tỉnh trong khu vực gồm Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đăk Lăk và Bình Thuận đã bàn thảo, đặt vấn đề hợp tác trong lĩnh vưc du lịch.

Theo đó, một số địa phương đã đề xuất các chương trình phối hợp song phương, điển hình là sự phối hợp giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng, vốn nằm cạnh nhau về mặt địa lý, lại là hai điểm du lịch nổi tiếng của khu vực.

Nếu sự gắn kết của hai thành phố Đà Lạt và Nha Trang được thực hiện một cách chặt chẽ, hành trình “lên rừng, xuống biển” chắc chắn sẽ là tour du lịch lý tưởng với nhiều du khách.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng từng thừa nhận: “Các doanh nghiệp du lịch của hai tỉnh chưa chủ động kết nối tour, tuyến giữa hai địa phương, chưa tận dụng sự liên kết để tạo các chương trình tour hấp dẫn, nhằm thu hút khách cho cả Khánh Hòa và Lâm Đồng.

Mặt khác, Hiệp hội du lịch của hai địa phương chưa phát huy hết vai trò làm cầu nối giữa các doanh nghiệp trong chương trình liên kết, chưa chủ động đề xuất các hoạt động chung để huy động các doanh nghiệp hai tỉnh cùng tham gia.”

Việc liên kết giữa Khánh Hòa với vùng duyên hải Nam Bộ và Tây Nguyên còn "mờ nhạt" dù Khánh Hòa là Trung tâm du lịch vùng và đã tham gia một số chương trình du lịch mang tính khu vực như “Con đường Di sản miền Trung”; “Con đường xanh Tây Nguyên”... cũng như thực hiện định hướng chiến lược du lịch quốc gia đối với địa bàn trọng điểm du lịch “Nha Trang-Ninh Chữ-Đà Lạt” và “Tam giác” tăng trưởng du lịch Thành phố Hồ Chí Minh-Đà Lạt-Nha Trang.

Không chỉ cần “bắt tay” chặt chẽ với Lâm Đồng, Khánh Hòa còn cần vươn xa hơn, thậm chí là tận Thành phố Hồ Chí Minh, bởi khi tính lượng du khách nội địa đến Khánh Hòa, thì khách từ Thành phố Hồ Chí Minh chiếm thị phần cao nhất.

Ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, chia sẻ: “Du lịch Nha Trang cần hợp tác chặt chẽ với các địa phương lân cận, đặc biệt giữa Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang-Đà Lạt, để tạo thành chuỗi sản phẩm trọn gói giữa loại hình du lịch đô thị-du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch sinh thái vùng cao nguyên”.

Vào giữa tháng 9 vừa qua, tại thành phố Nha Trang, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch duyên hải miền Trung” nhưng trọng tâm là ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Bà Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết: “Các tỉnh này tập trung nhiều danh lam, thắng cảnh, rất hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, có thể kết nối để tạo sức lan tỏa rộng khắp."

Đại diện các đơn vị lữ hành đánh giá cao cả 3 tỉnh đều có nhiều bãi biển đẹp, di tích lịch sử văn hóa đặc trưng (đặc biệt là văn hóa Chămpa), lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống; nếu tạo được sự liên kết, sẽ là một tour hấp dẫn.

Trong bối cảnh lượng du khách Trung Quốc đến Khánh Hòa đang tăng trưởng nóng như hiện nay, dựa trên sự liên kết này để chia sẻ số du khách cho hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận là điều hợp lý và cần thiết.

Tuy nhiên, nhìn chung cho đến nay hoạt động liên kết của Khánh Hòa với một số địa phương trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ còn mang nặng tính cam kết về hình thức, mà chưa có được một kế hoạch liên kết với những mục tiêu và lộ trình thực hiện cụ thể, hiệu quả của liên kết thể hiện trong sự phát triển du lịch của vùng còn chưa rõ và chưa được như kỳ vọng.

Các chuyên gia chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến nguồn lực cho liên kết phát triển du lịch Khánh Hòa với vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên còn hạn chế là do nguồn kinh phí thực hiện phần lớn được chi từ ngân sách địa phương.

Vai trò “nhạc trưởng” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà trực tiếp là Tổng cục Du lịch trong thúc đẩy hợp tác liên kết vùng thông qua một số hoạt động hỗ trợ cụ thể để phát hiển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn chưa rõ nét, chỉ mới mang tính gợi mở.

Để giải quyết vấn đề này, tiến sỹ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, cho rằng cần thành lập Ban điều phối phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “cầm trịch,” các tỉnh, thành phố trong khu vực sẽ là thành viên.

Nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, cần tạo kênh đối thoại giữa lãnh đạo các địa phương trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để thống nhất nhận thức, qua đó có sự đồng thuận giữa các địa phương trong vùng.

Trên cơ sở “tầm nhìn” và những lợi ích dài hạn, cần xác định lợi thế về du lịch của Khánh Hòa nói riêng và của từng địa phương trong không gian liên kết vùng duyên hải Nam Trung bộ, từ đó xây dựng “điểm đến” du lịch chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục