EU từ chối áp đặt biện pháp trừng phạt mới đối với Iran

EU kiên quyết bảo vệ thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được năm 2015 với Iran, đồng thời từ chối áp đặt biện pháp trừng phạt mới bất chấp hành động của Tehran tại Syria.
EU từ chối áp đặt biện pháp trừng phạt mới đối với Iran ảnh 1Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo hãng AP, Liên minh châu Âu (EU) đã kiên quyết bảo vệ thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được năm 2015 với Iran, đồng thời từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt mới bất chấp những hành động của Tehran tại Syria.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini tuyên bố hiện EU không có quyết định nào. Bà cho biết thêm việc xem xét kỹ lưỡng cách phản ứng với vai trò của Iran trong cuộc xung đột Syria sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Bà nhấn mạnh: "Một điều rất rõ đối với chúng tôi (28 nước thành viên EU) là chúng tôi muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran. Chúng tôi muốn chứng kiến việc tất cả các bên tuân thủ hoàn toàn mọi cam kết, bao gồm cả thỏa thuận này."

[Iran: Việc EU gia hạn trừng phạt không ảnh hưởng tới đối thoại]

Bà Mogherini đã tìm cách vạch ra một giới hạn rõ ràng giữa việc Iran tôn trọng thỏa thuận hạt nhân với các hành động khác mà EU và Mỹ coi là đáng chỉ trích. Iran là đồng minh quan trọng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và ủng hộ các nhóm phiến quân trên khắp khu vực.

Bà cho hay EU coi các hoạt động của Iran trong khu vực là "cực kỳ nguy hiểm, đó là lý do chúng tôi có một cơ chế trừng phạt đối với một số cách hành xử kiểu này."

Trước đó, hôm 12/4, EU đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt Iran đến ngày 13/4/2019. Theo đó, EU sẽ tiếp tục cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với 82 cá nhân và một thực thể; cấm xuất khẩu sang Iran các trang thiết bị có thể được sử dụng cho mục đích trấn áp và các thiết bị giám sát viễn thông.

Các biện pháp trừng phạt này được EU áp đặt lần đầu tiên vào năm 2011 và không nằm trong diện ảnh hưởng của thỏa thuận hạt nhân 2015 (còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA) được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức).

Hiện một số nước EU, trong đó có Pháp, Anh, Đức, muốn áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran liên quan đến chương trình phát triển tên lửa của nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục