Iran: Việc EU gia hạn trừng phạt không ảnh hưởng tới đối thoại

Iran cho rằng việc EU gia hạn thêm một năm các biện pháp trừng phạt liên quan đến cái gọi là "vi phạm nhân quyền" của chính quyền Tehran sẽ không làm gián đoạn hoạt động đối thoại song phương.
Iran: Việc EU gia hạn trừng phạt không ảnh hưởng tới đối thoại ảnh 1Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi. (Nguồn: mehrnews.com)

Ngày 16/4, Iran cho rằng việc Liên minh châu Âu (EU) quyết định gia hạn thêm một năm các biện pháp trừng phạt liên quan đến cái gọi là "vi phạm nhân quyền" của chính quyền Tehran sẽ không làm gián đoạn hoạt động đối thoại song phương.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi cho rằng việc EU gia hạn các biện pháp trừng phạt Iran là vì sự khác biệt trong các giá trị mà hai bên theo đuổi.

Giữa Iran và các quốc gia châu Âu cũng như EU luôn tồn tại những khác biệt nhất định trong quan điểm, một phần vì sự khác biệt trong các giá trị, cụ thể là trong lĩnh vực nhân quyền.

Vì thế, các biện pháp này sẽ không làm gián đoạn hoạt động đối thoại lâu dài giữa Iran và EU. Đối thoại song phương nên tiếp tục với một tinh thần xây dựng và tập trung vào các lĩnh vực đã thống nhất.

[Hội đồng châu Âu quyết định gia hạn trừng phạt Iran thêm một năm]

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cũng cho biết các phái đoàn của hai bên sẽ tiếp tục các buổi thảo luận về nhiều chủ đề ngoài vấn đề nhân quyền đồng thời hy vọng hoạt động đối thoại sẽ diễn ra trong không khí tích cực.

Trước đó, ngày 12/4, EU đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt Iran đến ngày 13/4/2019. Theo đó, EU sẽ tiếp tục cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với 82 cá nhân và một thực thể; cấm xuất khẩu sang Iran các trang thiết bị có thể được sử dụng cho mục đích trấn áp và các thiết bị giám sát viễn thông.

Các biện pháp trừng phạt này được EU áp đặt lần đầu tiên vào năm 2011 và không nằm trong diện ảnh hưởng của thỏa thuận hạt nhân 2015 (còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA) được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức).

Hiện một số nước EU, trong đó có Pháp, Anh, Đức, muốn áp đặt các lệnh trừng phạt với đối với Iran liên quan đến chương trình phát triển tên lửa của nước này.

Tuy nhiên, Tehran tuyên bố sẽ rút khỏi JCPOA nếu Mỹ và phương Tây áp đặt lại các lệnh trừng phạt mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục