FARC nối lại các cuộc hòa đàm với Chính phủ Colombia

FARC nối lại hòa đàm với Chính phủ Colombia ở Cuba

Ngày 26/8, FARC đã chính thức nối lại các cuộc hòa đàm với chính phủ Colombia sau ba ngày thông báo "tạm ngừng" vòng đàm phán.
Ba ngày sau khi thông báo “tạm dừng” vòng đàm phán hòa bình đang diễn ra tại thủ đô Havana của Cuba để thảo luận nội bộ về đề xuất của Chính phủ Colombia tiến hành trưng cầu ý dân trên toàn quốc thỏa thuận hòa bình trong trường hợp hai bên tiến tới ký kết, ngày 26/8, Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đã chính thức nối lại các cuộc hòa đàm.

Phát biểu tại Havana, nhà thương lượng hàng đầu của FARC Ivan Marquez nêu rõ một thỏa thuận hòa bình không phải là điều có thể được quyết định một cách đơn phương hay thông qua cơ chế trưng ý dân.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh ban lãnh đạo FARC đã quyết định nối lại các cuộc thảo luận.

[Colombia: FARC tạm dừng đàm phán với chính phủ]

Trước đó, ngày 22/8, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã đề xuất nếu đạt được thỏa thuận hòa bình với FARC, văn kiện này sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng Ba hoặc bầu cử tổng thống vào 5/2014.

Trong một phản ứng ngay sau đó, FARC đã thông báo tạm ngừng đàm phán để đánh giá kỹ lưỡng đề xuất trên cũng như tiến hành tham khảo ý kiến trong nội bộ của nhóm này.

Ngoài ra, FARC cũng khẳng định sẽ tận dụng thời gian để lắng nghe ý kiến của nhân dân Colombia về đề xuất trưng cầu ý dân mà chính phủ vừa thông qua.

Tổng thống Santos đã đồng ý với đề nghị tạm ngừng đàm phán của FARC, song ông cũng nêu rõ sự kiên nhẫn có giới hạn và các bên cần phải đẩy nhanh tiến độ các cuộc đàm phán.

Chính phủ Colombia và FARC bắt đầu tiến trình đối thoại tại Havana từ tháng 10/2012 nhằm chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài gần nửa thế kỷ qua tại quốc gia Nam Mỹ này khiến hơn 200.000 người thiệt mạng.

Hai bên thống nhất đàm phán về các vấn đề liên quan chính sách phát triển nông thôn, sự tham gia của FARC vào các hoạt động chính trị, giải giáp vũ khí, chống ma túy và bồi thường các nạn nhân của cuộc xung đột vũ trang, trong đó hai điểm đầu tiên đã đạt được một số sự đồng thuận nhất định./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục