Gia đình chủ quan, liên tiếp 2 trẻ nhỏ tử vong sau khi bị chó dại cắn

Các bé vào viện trong trạng thái kích thích tinh thần, sợ gió, sợ nước và tiến triển bệnh ngày càng nặng. Dù đã được các bác sỹ tích cực hỗ trợ nhưng cả hai cháu đều tử vong.
Gia đình chủ quan, liên tiếp 2 trẻ nhỏ tử vong sau khi bị chó dại cắn ảnh 1Tiêm phòng bệnh dại cho bệnh nhân bị chó cắn tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, vừa qua có 2 trẻ nhỏ tử vong vì bị chó dại cắn, sau khi được đưa tới viện.

Các bé vào viện trong trạng thái kích thích tinh thần, sợ gió, sợ nước và diễn biến bệnh ngày càng nặng. Dù đã được các bác sỹ tích cực hỗ trợ nhưng cả hai cháu đều tử vong.

[Lo khan vắcxin phòng dại, dân TP.HCM đổ xô đi tiêm phòng dại]

Chủ quan với vết xước do chó cào

Phó giáo sư Bùi Vũ Huy - Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, một cháu bé 12 tuổi (dân tộc Mường, sống tại Hoà Bình) tử vong sau một tuần vào viện.

Trường hợp thứ hai là cháu bé 9 tuổi (dân tộc Mông, Lạng Sơn) tử vong chỉ nửa ngày sau khi nhập viện.

Phó giáo sư Bùi Vũ Huy nhận định, việc chỉ trong một tuần đã có 2 cháu bé tử vong vì bệnh dại là chuyện rất bất thường. Nguyên nhân là do gia đình, cộng đồng chưa có ý thức nhiều trong phòng chống bệnh dại.

Qua khai thác tiền sử, gia đình hai cháu đều không biết con mình bị chó cắn.

Với trường hợp bé 12 tuổi, sau 13 ngày bị chó cắn, con chó chết. Khi trẻ có biểu hiện bất thường, cha mẹ mới đưa con đến cơ sở y tế.

Trường hợp bé 9 tuổi ở Lạng Sơn, gia đình có nuôi chó mẹ và đàn chó con.

Khi chó mẹ có biểu hiện ốm, gia đình bán đi và giữ đàn chó con tiếp tục chăm sóc. Trong quá trình chăm sóc chó, cháu nhỏ bị một con chó con gặm vào tay nhưng cũng không kể lại với mọi người.

Theo bác sỹ Huy, để phòng tránh bệnh dại, biện pháp duy nhất có hiệu quả để ngăn ngừa người bị bệnh dại là khi bị phơi nhiễm với virus dại do bị con vật cắn, cào, liếm trên da… cần rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối đặc, các chất sát khuẩn như cồn y tế, cồn iốt...

Sau đó, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám và có chỉ định phác đồ điều trị dự phòng sớm.

Bác sỹ Huy cũng khuyến cáo, thời gian ủ bệnh dài nên các trường hợp bị nhiễm virus dại nhưng chưa có triệu chứng dại vẫn nên đi tiêm vắcxin phòng dại để tạo miễn dịch trước khi virus dại xâm nhập hệ thần kinh trung ương.

Nhu cầu vắcxin tăng 147% so với năm 2017

Trước nhu cầu về tiêm vắcxin phòng bệnh dại tăng cao ở nhiều địa phương, vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định tính đến thời điểm hiện tại, lượng vắcxin nhập khẩu về đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng của nhân dân.

Hiện tại, có 5 vắcxin phòng dại được cấp giấy đăng ký lưu hành và đã được nhập khẩu hoặc có thể được nhập khẩu vào Việt Nam (không yêu cầu cấp phép nhập khẩu), bao gồm: Verorab (sản xuất tại Pháp), Abhayrab, Indirab, Speeda, Rabipur (sản xuất tại Ấn Độ).

Theo báo cáo, các công ty cam kết nhập khẩu vắcxin theo đúng kế hoạch, tiến độ đã gửi.

Gia đình chủ quan, liên tiếp 2 trẻ nhỏ tử vong sau khi bị chó dại cắn ảnh 2Kế hoạch cung ứng 4 loại vắcxin phòng bệnh dại của các công ty, đơn vị. (Nguồn: Bộ Y tế ; đơn vị: số liều thuốc)

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dược Sài Gòn sẽ nhập khẩu 444.540 liều vắcxin Verorab. Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh nhập khẩu khoảng 1,4 triệu liều vắcxin Ahayrab. Công ty cổ phần y tế AMV Group nhập khẩu khoảng 300.000 liều vắcxin Indirab.

Từ đầu năm 2018 đến nay, vắcxin Speeda đã nhập khẩu 2.200 liều; dự kiến giữa tháng Sáu sẽ nhập khẩu tiếp 4.000 liều và cuối tháng Sáu nhập khẩu tiếp 6.000 liều. Nếu các cơ sở tiêm chủng có nhu cầu, cơ sở tiếp tục nhập khẩu các lô hàng tiếp theo.

Như vậy, theo thống kê của Bộ Y tế khả năng cung ứng vắcxin phòng dại trong năm 2018 cho thị trường Việt Nam là gần 2,16 triệu liều (cao gấp 147% so với tổng số lượng vắcxin phòng dại đã nhập khẩu trong năm 2017 và cao gấp 166% so với số lượng vắcxin phòng dại sử dụng trung bình mỗi năm)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục