Giai đoạn thứ ba của "vụ ly hôn" xuyên Đại Tây Dương

Norbert Röttgen, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Liên bang Đức nhấn mạnh vụ ám sát Tướng Soleimani "đã gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ở Trung Đông trong nhiều thập kỷ qua."
Giai đoạn thứ ba của "vụ ly hôn" xuyên Đại Tây Dương ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Đức Norbert Roettgen. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phân tích của tờ Le Monde (Pháp), việc Mỹ không kích tiêu diệt Tướng Qasem Soleimani, chỉ huy đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, đánh dấu giai đoạn thứ ba của "vụ ly hôn" xuyên Đại Tây Dương trong vấn đề Trung Đông.

Giai đoạn đầu tiên là quyết định của chính quyền Tổng thống George W. Bush hồi năm 2003 xâm chiếm Iraq nhằm lật đổ Saddam Hussein. Quyết định này gây chia rẽ nghiêm trọng châu Âu. Pháp và Đức từ chối đi theo Mỹ.

Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu khác - trong đó có Vương quốc Anh - đã đồng ý tham gia chiến dịch. Chiến tranh Iraq là một thất bại mà hậu quả của nó vẫn khiến các bên phải trả giá cho đến tận ngày nay.

Giai đoạn thứ hai là cuộc khủng hoảng liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran. Được ký năm 2015 dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm kiềm chế phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực, thỏa thuận đa phương này là hình ảnh thu nhỏ của ngoại giao châu Âu.

Tehran tìm thấy trong thỏa thuận này những lợi ích nên đã tuân thủ các điều khoản. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump coi đó là một thỏa thuận tồi tệ và quyết định rút lui hồi năm 2018.

Đối với Pháp, Anh và Đức, những bên đã đầu tư nhiều nỗ lực lớn, đây là một cú đòn đau.

[Chủ tịch EC hối thúc Tổng thống Iran Rouhani tuân thủ JCPOA]

Giai đoạn thứ ba cuộc không kích ngày 3/1 của Mỹ tiêu diệt Tướng Soleimani trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa nước này với Iran làm "hóa đá" người châu Âu - vốn đang phải đối mặt với khó khăn trong bối cảnh cuộc chiến triền miên ở Syria và việc quốc tế hóa cuộc xung đột Libya.

Nếu chiến tranh bùng nổ ở khu vực này, châu Âu sẽ là bên đầu tiên gánh chịu tác động. Đó là chưa tính đến việc vụ ám sát Tướng Soleimani như "đóng đinh thêm vào quan tài" thỏa thuận hạt nhân mà châu Âu từng hy vọng sẽ cứu được.

Washington liệu có đợi một tràng pháo tay từ bên kia bờ Đại Tây Dương hay không? Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.

Giới chức Đức cho dù rất quan tâm đến liên minh với Mỹ nhưng cũng bày tỏ sự không đồng tình. Norbert Röttgen, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Liên bang Đức, đã viết trên mạng xã hội Twitter: "Mỹ đã trở lại Trung Đông nhưng không như mong đợi."

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng "hành động của Mỹ không giúp làm giảm căng thẳng." Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trên Fox News: "Người châu Âu không giúp đỡ chúng tôi nhiều... Người Anh, người Pháp, người Đức, mọi người nên hiểu rằng những gì chúng tôi đã làm sẽ cứu nhiều mạng sống ở châu Âu."

Đằng sau nghĩa vụ đoàn kết, quan điểm khác biệt đang gia tăng, làm lộ ra khoảng cách chính trị và chiến lược giữa Nhà Trắng và giới lãnh đạo châu Âu, làm sống lại những ký ức tồi tệ về cuộc chiến tranh Iraq.

Khi người đứng đầu ngoại giao châu Âu, ông Josep Borrell, mời Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đến phát biểu tại Brussels (Bỉ), Mỹ tuyên bố cấm ông Zarif đặt chân lên lãnh thổ Mỹ để đến trụ sở Liên hợp quốc.

Những sự tức giận thất thường của Tổng thống Trump, việc đe dọa tấn công các mục tiêu văn hóa của Iran, những câu hỏi về tính hợp pháp trong hành động của Mỹ không có gì phù hợp với tư tưởng và pháp luật châu Âu.

Ông Röttgen nhấn mạnh rằng vụ ám sát Tướng Soleimani "đã gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ở Trung Đông trong nhiều thập kỷ qua."

Hiện nay, châu Âu phải chung sức giải quyết hậu quả. Thủ tướng Merkel đến Moskva để thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, các Ngoại trưởng EU họp khẩn cấp.

Tuy nhiên, do thực sự không có công cụ quyền lực trong tay nên châu Âu một lần nữa phải đối mặt với các mâu thuẫn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục