Giới chuyên gia Mỹ quan ngại nguy cơ lây lan COVID-19 trong bệnh viện

Trong bối cảnh thiếu nhân lực do dịch bệnh bùng phát, tháng trước, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã quyết định nới lỏng quy định cách ly đối với nhân viên y tế.
Giới chuyên gia Mỹ quan ngại nguy cơ lây lan COVID-19 trong bệnh viện ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thống kê cho thấy ngày càng nhiều bệnh nhân nội trú tại các bệnh viện ở Mỹ lây nhiễm COVID-19 trong thời gian điều trị tại bệnh viện. Giới chuyên gia quan ngại nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bệnh nhân lây nhiễm từ các nhân viên y tế mắc COVID-19.

Trong bối cảnh thiếu nhân lực do dịch bệnh bùng phát, tháng trước, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã quyết định nới lỏng quy định cách ly đối với nhân viên y tế, theo đó, họ có thể trở lại làm việc 7 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, thay vì 10 ngày như khuyến nghị trước đó.

Quyết định này được áp dụng đối với những người mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng, những người có triệu chứng nhẹ hoặc có triệu chứng trung bình song đã cải thiện. Tất cả những người này đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ trước khi đi làm trở lại.

CDC Mỹ cũng dự kiến khả năng rút ngắn thêm thời gian cách ly xuống còn 5 ngày trong trường hợp thiếu nhân viên. Trong trường hợp này, nhân viên y tế sẽ không cần xét nghiệm khi hết cách ly.

Thậm chí, CDC Mỹ cho rằng khi xảy ra kịch bản khủng hoảng không còn đủ nhân viên chăm sóc bệnh nhân, sẽ không còn hạn chế nào được áp dụng. Số liệu mới nhất của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) cho thấy gần 25% số bệnh viện ở Mỹ đã thông báo tình trạng thiếu nhân viên nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ quan ngại chính sách này của CDC Mỹ có thể khiến lây nhiễm COVID-19 trong bệnh viện gia tăng, vì nghiên cứu cho thấy một số người mắc COVID-19 gây lây nhiễm tới 10 ngày.

HHS cho biết trên thực tế, 1 tuần sau khi CDC Mỹ đưa ra chính sách trên vào ngày 23/12/2021, tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ít nhất 2 tuần sau khi điều trị nội trú đã tăng 80% - từ khoảng 1.200 lên 2.200 bệnh nhân.

[Mỹ: Trẻ em mắc COVID-19 phải nhập viện ở mức cao nhất từ trước đến nay]

Theo Tiến sỹ Jorge Caballero, nhà khoa học dữ liệu thuộc tổ chức phi lợi nhuận Coders Against COVID, các bệnh nhân này nhập viện điều trị bệnh khác không phải COVID-19, song sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Ông cho rằng bệnh viện là nơi duy nhất khiến họ mắc COVID-19.

Tiến sỹ Caballero cho biết khi xem xét dữ liệu tại các bệnh viện lớn áp dụng nhanh chóng quy định mới của CDC Mỹ, số bệnh nhân mắc COVID-19 tại những bệnh viện này đã tăng vọt.

Đơn cử khi bang Rhode Island cập nhật hướng dẫn cách ly theo khuyến nghị mới của CDC đối với bệnh viện và nhân viên y tế vào ngày 31/12/2021, chỉ vài ngày sau đó, số bệnh nhân nội trú mắc COVID-19 khi đang nằm viện đã tăng vọt.

Cũng theo giới chuyên gia, khẩu trang không phải lúc nào cũng ngăn được virus SARS-CoV-2 phát tán. Theo Tiến sỹ Caballero, ngay cả những nhân viên y tế đeo khẩu trang có khả năng bảo vệ cao như N95 vẫn có thể phát tán virus khi ho hoặc hắt hơi.

Chưa kể, không thể chắc chắn nhân viên y tế đeo khẩu trang liên tục trong các ca làm, chẳng hạn trong lúc ăn. Trong khi đó, Omicron được cho là biến thể có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến thể trước. Ngày càng có nhiều dữ liệu cho thấy chỉ cần tiếp xúc thoáng qua với người nhiễm Omicron cũng có thể bị lây nhiễm. 

Các chuyên gia cũng cho rằng việc lây nhiễm trong bệnh viện chủ yếu xuất phát từ những trường hợp siêu lây nhiễm. Do vậy, khuyến nghị mới của CDC Mỹ có thể khiến dịch bệnh lây lan trong bệnh viện nhiều hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục