Gỡ vướng mắc cho những "con tàu 67" của ngư dân vươn khơi

Những con tàu được vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, vốn là giấc mơ của nhiều ngư dân, vẫn khó vươn khơi vì "vướng" nhiều khâu.
Gỡ vướng mắc cho những "con tàu 67" của ngư dân vươn khơi ảnh 1Một tàu cá vỏ thép. (Ảnh minh họa: Nguyên Lý/TTXVN)

Tiếp chúng tôi vào một buổi trưa ngay tại con tàu được vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản vừa hạ thủy, anh Trần Quân, ngư dân tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ: “Tôi là một trong những trường hợp đầu tiên được vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 ở Thuận An. Ngày hạ thủy con tàu này tôi mừng quên ăn, cảm giác như hồi mới cưới vợ.”

Mắt nhìn xa xăm về hướng biển, anh Trần Quân tâm sự tiếp, với con tàu này, chỉ vài ba năm là gia đình anh thu hồi đủ vốn để trả nợ ngân hàng và với nhiều ngư dân nơi đây thì đó vẫn là “giấc mơ.”

Mang câu chuyện trên của anh Quân chia sẻ với cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Thừa Thiên-Huế, chúng tôi được biết thực tế triển khai Nghị định 67 còn “vướng” ở nhiều khâu khiến nhiều ngư dân chưa tiếp cận được.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Thừa Thiên-Huế, cho biết khi Nghị định 67 mới được triển khai, ngư dân nhiều xã nô nức đăng ký vay vốn. Đã có tới 64 hộ đăng ký nhưng khi ngân hàng xuống làm việc cụ thể thì chỉ còn 3 hộ và các hộ này đã được phê duyệt cho vay.

Tương tự, ông Hoàng Minh Thông, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cũng cho hay khi triển khai cho vay đóng tàu theo chương trình này, toàn tỉnh Quảng Trị có 29 hộ đăng ký tham gia. Song khi ngân hàng xuống từng hộ để hướng dẫn thì chỉ còn lại vài hộ đăng ký.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đỗ Thế Hải, Trưởng phòng Kinh doanh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên-Huế thẳng thắn nói: “Bản thân tôi đã đi tuyên truyền Nghị định 67 cho bà con. Ban đầu khi được hỏi thì 100% người dân ủng hộ nhưng khi Nghị định được triển khai, đụng đến hồ sơ thì nhiều người dừng lại."

Vậy đâu là lý do khiến ngư dân chưa thể tiếp cận rộng rãi với chính sách mới này?

Một trong những rào cản đầu tiên theo các ngư dân là vốn đối ứng. Theo Nghị định 67, ngư dân muốn vay vốn ưu đãi để đóng tàu phải có 30% vốn đối ứng với tàu gỗ hoặc 5% với tàu vỏ thép. Đây là quy định cần thiết nhằm sàng lọc những chủ tàu có năng lực, đồng thời làm tăng trách nhiệm của chủ tàu với đồng vốn. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những trở ngại chính của ngư dân trong tiếp cận vốn vay theo Nghị định 67.

Anh Trần Quân cho hay rất nhiều ngư dân trong vùng muốn vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, song số hộ đủ điều kiện không nhiều. Bởi mỗi con tàu trị giá cả chục tỷ đồng và như vậy vốn đối ứng cũng phải tới vài tỷ đồng thì không phải hộ nào cũng đáp ứng được.

Bên cạnh đó, Nghị định 67 quy định sử dụng máy mới 100%, trong khi có nhiều trường hợp ngư dân mong muốn được sử dụng máy đã qua sử dụng nhằm tiết giảm chi phí.

Ông Mai Xuân Thành, giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Phú Vang cho biết mong muốn của nhiều ngư dân là được sử dụng máy cũ để tiết kiệm chi phí. Trong quá trình đầu tư, nguồn vốn tự có cũng là số vốn đòi hỏi rất lớn. Để đi đến quyết định vay, ngư dân cũng phải đắn đo vì đầu tư ra rất lớn trong khi hiệu quả kinh tế thì chưa biết thế nào. Đó là lý do khiến người dân đón nhận chính sách mới còn thấp.

Ông Mai Xuân Thành cũng cho biết thêm hiện nay, nhiều ngư dân có nhu cầu cải hoán, nâng cấp tàu vỏ gỗ có công suất 400CV lên trên 400CV để vươn khơi, bám biển đánh bắt có hiệu quả. Tuy nhiên, theo văn bản chỉ đạo số 4209/SNNPTNT của Ủy ban Nhân dân tình Thừa Thiên-Huế về việc hướng dẫn triển khai Nghị định 67 lại quy định nâng cấp cải hoán tàu cá, thay máy mới, gia cố vỏ bọc thép, vỏ bọc vật liệu mới chứ không phải gia cố vỏ gỗ. Vì vậy, khi triển khai Nghị định 67, nhiều chủ tàu có nhu cầu đăng ký cải hoán tàu vỏ gỗ nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ vay vốn.

Trong khi đó, ông Trương Hữu Toán, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Gio Linh, Quảng Trị chia sẻ nhu cầu cải hoán tàu hiện nay rất lớn nhưng chính sách để cho vay cải hoán thì hiện nay chưa được thực hiện. Mặc dù Nghị định 67 có nội dung cho vay cải hoán nhưng cải hoán như thế nào, sử dụng máy cũ ra làm sao, quy định thế nào là máy cũ, thì hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chưa có quyết định quy định chính thức về vấn đề này.

Bên cạnh đó, theo kiến nghị của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Vang, phần lớn ngư dân đã có tàu, trang thiết bị và ngư lưới cụ nên khi đóng mới tàu hoặc cải hoán tàu cũ họ muốn tận dụng lại trang thiết bị và ngư lưới cụ sẵn có để nâng cấp và cải tạo cho phù hợp với tàu mới, nhưng lại không được tính vào vốn đối ứng để được vay.

Cùng với đó, ngân hàng cũng gặp khó khăn trong việc thẩm định dự toán con tàu vì chưa có quy định về định mức kỹ thuật và giá khái toán để tham khảo, còn cả vướng mắc trong phê duyệt thiết kế mẫu tàu.

Ông Đỗ Thế Hải chia sẻ nếu đóng tàu sắt thì mẫu mã phải theo thiết kế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhưng người dân chủ yếu đóng tàu theo kiểu dân gian, mỗi nơi một kiểu… như vậy các thủ tục, bản vẽ thiết kế dự toán đều theo từng quan điểm của ông chủ tàu, với mũi tàu, thân tàu khác nhau... làm cho công tác thẩm định rất khó. Đặc biệt, đã là tàu dân gian thì việc xem dự toán càng khó hơn.

Ông Võ Văn Thành, Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Phú Vang, phân tích việc đóng một chiếc tàu không hề đơn giản, không phải cứ đóng là xong. Có những hộ có đủ điều kiện để được vay vốn đóng tàu nhưng tuổi đã cao và không có người thừa kế. Vấn đề đặt ra là đến khi họ không ra khơi được mà vốn vẫn chưa trả hết cho ngân hàng thì tàu sẽ để cho ai, và đó cũng là một hạn chế.

Rời Thuận An, một cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trăn trở nói với chúng tôi rằng muốn làm tốt chính sách này phải xã hội hóa, rất cần hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc và ngân hàng chỉ là một “mắt xích” trong quá trình này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục