Hà Nội kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh

Việc kiểm kê nhằm bổ sung, đánh giá, lập danh mục hệ thống di tích góp phần xây dựng kế hoạch và định hướng cho các hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Học sinh Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận trước nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khu di tích K9 Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Học sinh Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận trước nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khu di tích K9 Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký ban hành kế hoạch về việc kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh nhằm rà soát số lượng, phê duyệt danh mục di tích để phục vụ công tác quản lý Nhà nước theo định kỳ.

Việc kiểm kê nhằm bổ sung, đánh giá, lập danh mục hệ thống di tích bao gồm tên gọi, loại hình, địa điểm xây dựng, quy mô kiến trúc, nhân vật lịch sử, di vật, hiện vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích, góp phần xây dựng kế hoạch và định hướng cho các hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu, lưu trữ bảo quản thông tin, hồ sơ và văn bản pháp lý; từng bước giới thiệu, quảng bá, hướng dẫn nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Đối tượng kiểm kê là các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên chưa có trong danh mục kiểm kê di tích do Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã cung cấp, đề xuất ngoài danh mục di tích đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công bố tại Quyết định số 5745/QĐ - UBND ngày 14/10/2016 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Cụ thể, di tích lịch sử (di tích lưu niệm sự kiện, di tích lưu niệm danh nhân) là công trình xây dựng, địa điểm gắn với các sự kiện lịch sử, thân thế và sự nghiệp của danh nhân. Di tích kiến trúc nghệ thuật là quần thể các công trình kiến trúc nghệ thuật hoặc công trình kiến trúc đơn lẻ bao gồm các khu vực có công trình kiến trúc, sân, vườn, ao, hồ và cả các yếu tố khác liên quan đến di tích đó.

Di tích khảo cổ là địa điểm khảo cổ bao gồm khu vực đã phát hiện các di tích, di vật, địa hình, cảnh quan có liên quan trực tiếp tới môi trường sinh sống của chủ thể đã tạo nên địa điểm khảo cổ đó. Danh lam thắng cảnh bao gồm cảnh quan thiên nhiên, địa hình, địa mạo và các yếu tố địa lý khác chứa đựng sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù, các dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất hoặc các công trình kiến trúc liên quan đến danh lam thắng cảnh đó.

Nội dung kiểm kê gồm tên gọi, địa điểm, loại hình, sinh hoạt tín ngưỡng của di tích; tình trạng quản lý đất đai; tổng thể, kết cấu kiến trúc của di tích; quá trình xây dựng, phục hồi, tu bổ, tôn tạo di tích; thống kê hiện vật tiêu biểu của di tích. Phương pháp kiểm kê gồm khảo sát, điền dã, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình để thu thập thông tin và tư liệu hóa di tích; phân tích, đối chiếu, so sánh, đánh giá, tổng hợp các tư liệu liên quan đến di tích được kiểm kê.

Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện kiểm kê, trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt, công bố điều chỉnh, bổ sung danh mục kiểm kê di tích.

Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội rà soát, đánh giá, kiểm kê, tổng hợp, lập danh mục di tích quản lý theo phân cấp; kê khai, bổ sung các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên chưa có trong danh mục...

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu việc kiểm kê di tích cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị với các đơn vị, cơ quan chức năng và địa phương, đảm bảo đúng quy trình, quy định pháp luật về di sản văn hóa đồng thời lồng ghép với chương trình, kế hoạch đang triển khai, thu hút nhân dân tham gia, đặc biệt là địa phương có di tích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục