Hà Nội ứng phó với nguy cơ gãy đổ cây xanh trong mùa mưa bão

Để ứng phó bão mạnh, lốc tố làm gãy, đổ hệ thống cây xanh trong mùa mưa bão, Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực 24/24 giờ, ưu tiên xử lý các cây đổ ra đường gây cản trở giao thông.
Hà Nội ứng phó với nguy cơ gãy đổ cây xanh trong mùa mưa bão ảnh 1Cây xanh bị đổ do mưa lớn ở Hà Nội trong mùa mưa bão 2019. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Chiều 26/5, tại buổi họp Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, thông tin về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên toàn địa bàn thành phố, nhất là mùa mưa lũ năm 2020 đang đến gần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận định diễn biến thiên tai 5 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều đặc điểm phức tạp.

Đặc biệt, tình hình thời tiết thủy văn năm nay sẽ có diễn biến khó lường, trong đó đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, nắng nóng gay gắt, bão mạnh, lũ lớn, lũ muộn... gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của nhân dân.

Trước tình hình đó, cùng với các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão năm 2020.

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và các công ty thủy lợi tiến hành kiểm tra các hồ đập trên địa bàn thành phố; đồng thời rà soát quy trình tích nước và vận hành, những hư hỏng, sự cố được đầu tư tu sửa nhằm bảo đảm an toàn cho các hồ chứa trong mùa lũ năm 2020.

Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã lập báo cáo hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2020. Trên cơ sở đó, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội xác định được 4 trọng điểm, 12 điểm xung yếu, từ đó xây dựng phương án hộ đê, phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội năm 2020.

Chi cục cũng thực hiện công tác kiểm kê, đánh giá chất lượng, số lượng vật tư dự trữ phòng, chống lụt bão của thành phố và bổ sung đủ số lượng, chủng loại theo quy định.

Đáng chú ý, các Sở Xây dựng, Giao thông Vận tải, Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội... đã chủ động xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2020.

[Chủ động triển khai các giải pháp trọng tâm phòng, chống thiên tai]

Đặc biệt, để ứng phó bão mạnh, lốc tố làm gãy, đổ hệ thống cây xanh trong mùa mưa bão, Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị quản lý, duy tu, duy trì cây xanh chủ động huy động lực lượng, phương tiện thực hiện giải tỏa trực 24/24 giờ ngay khi nhận được thông tin cây gãy, đổ do mưa bão, trong đó ưu tiên xử lý các cây đổ ra đường gây cản trở giao thông các tuyến trọng điểm, trục đường chính.

Sở Xây dựng Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức ứng trực 100% quân số, phương tiện khi có mưa, bão lớn, sẵn sàng tiếp nhận thông tin, giải tỏa ngay cây gãy, đổ, đồng thời thu dọn các cây đổ, cắt cây, cành, đánh gốc, san lấp... bảo đảm giao thông lưu thông được nhanh nhất và trồng cây thay thế sau 10 ngày.

Ngoài ra, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội cũng triển khai kế hoạch khơi thông cống rãnh, nạo vét các tuyến mương, kênh dẫn, cống ngầm, cống ngang giúp tăng cường khả năng tiêu thoát úng và xây dựng kế hoạch tiêu cục bộ ở những điểm thường xuyên úng ngập; sẵn sàng triển khai lực lượng ứng trực, mở nắp ga, khơi thông hố ga thu nước, cảnh giới và hướng dẫn phương tiện giao thông tránh các điểm úng ngập.

Các doanh nghiệp thủy lợi tập trung tu sửa máy móc, thiết bị sẵn sàng vận hành 100% các trạm bơm tiêu úng và đầu tư tu sửa các công trình thủy lợi nội đồng, tăng cường khả năng tiêu thoát ra các sông.

Cũng tại buổi họp Giao ban báo chí, trả lời phóng viên về quá trình xử lý sai phạm tại dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cho biết, hiện nay đơn vị tháo dỡ là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bắc Nam đang phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tháo dỡ phần diện tích sai phạm tại dự án 8B Lê Trực theo đúng phương án được phê duyệt.

Trong quá trình tháo dỡ, Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình luôn có chế độ báo cáo thường xuyên và xin ý kiến thành phố Hà Nội, xử lý nghiêm sai phạm tại dự án này theo đúng quy định pháp luật.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến những công trình vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ trên toàn địa bàn thành phố, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho biết trên toàn địa bàn thành phố có 205 bãi tập kết vật liệu xây dựng ven các sông, trong đó có 169 bãi tập kết vật liệu xây dựng đang hoạt động. Qua kiểm tra, rà soát, có đến 135/169 bãi không có phép.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết Hà Nội có nhiều đê điều nên có khó khăn trong công tác quản lý.

Thời gian gần đây, Sở cùng chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đang tích cực xử lý các trường hợp vi phạm còn tồn đọng, kiên quyết ngăn chặn các vi phạm mới phát sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục