Hà Nội yêu cầu xử lý chất thải sinh hoạt và y tế đảm bảo vệ sinh

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị chức năng thực hiện công tác thu gom, lưu trữ và chuyển giao chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.
Hà Nội yêu cầu xử lý chất thải sinh hoạt và y tế đảm bảo vệ sinh ảnh 1Công nhân Nguyễn Thanh Hoa, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) đang thu dọn tại ngã tư Đường Láng-Trường Chinh. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống COVID-19 và chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, xem xét điều chỉnh phương án xử lý chất thải y tế; đồng thời tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác thu gom, lưu trữ và chuyển giao chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh theo đúng quy định tại Quyết định số 3455/QĐ- BCĐQG của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 về "Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch COVID-19" và theo nội dung chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thông báo đến các địa phương, các đơn vị thu gom chất thải y tế nguy hại về danh sách các cơ sở đủ điều kiện theo quy định về xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế (bao gồm cả các cơ sở đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận kế hoạch vận hành thử nghiệm) để tăng cường xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19.

[Thành phố Hồ Chí Minh nâng tối đa công suất xử lý rác y tế]

Căn cứ nội dung chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Sở Y tế, UBND các quận, huyện hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý chất thải y tế, chất thải sinh hoạt phát sinh tại khu cách ly y tế tập trung, khu vực cách ly y tế tại nhà và khu vực có bệnh nhân COVID-19, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã theo dõi, tổng hợp tình hình xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh COVID-19 tại các khu cách ly y tế tập trung, khu cách ly y tế tại nhà, kịp thời báo cáo UBND thành phố những vấn đề vướng mắc, vượt thẩm quyền quyết định.

Cũng theo tin từ Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ngay sau khi phát hiện tại công trường xây dựng Bệnh viện Đa khoa Hà Đông có 4 công nhân sống tại lán trong công trình mắc COVID-19 và đến chiều 6/8, số công nhân mắc COVID-19 tại đây tăng lên 24 người, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các dự án thi công (trong đó có 8 dự án giao thông cấp bách), phải thực hiện "3 tại chỗ."

Thành phố yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải có phương án, kịch bản duy trì thi công đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Đối với công trình thi công có khuôn viên độc lập, đơn vị thi công phải có hàng rào khép kín xung quanh công trường để tổ chức giám sát, kiểm soát các hoạt động ra, vào công trường, đáp ứng điều kiện phòng chống dịch bệnh đúng quy định và phải thực hiện nguyên tắc "3 tại chỗ" gồm sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ và không đi ra ngoài công trường khi không có nhiệm vụ.

Các công trình xây dựng theo tuyến phải có biện pháp tổ chức thực hiện nguyên tắc "3 tại chỗ" hoặc nguyên tắc "1 cung đường 2 điểm đến" và phải được Ủy ban Nhân dân cấp huyện nơi có công trình xây dựng chấp thuận trước khi thực hiện. Chủ đầu tư, nhà thầu phải xây dựng phương án, kế hoạch nhu cầu cung ứng vật tư xây dựng; báo cáo Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã về nhu cầu, đơn vị cung cấp, lịch trình, số lượt và thời gian phương tiện vận chuyển để được xem xét, chấp thuận.

Trên cơ sở phương án, kế hoạch của chủ đầu tư, nhà thầu, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã báo cáo Sở Giao thông vận tải để được cấp giấy xác nhận cho các phương tiện phục vụ thi công xây dựng được phép di chuyển./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục