Hải quân Trung Quốc đã vừa cảnh báo một máy bay do thám Mỹ đang bay trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở biển Đông, phải rời khỏi khu vực.
Cảnh báo của phía Trung Quốc được đưa ra tới 8 lần và được các phóng viên, gồm người của hãng tin CNN, có mặt trên chiếc máy bay chứng kiến. Đây là màn đối đầu trực diện đầu tiên giữa hai bên trong thời gian gần đây.
Có lúc, khi các phi công Mỹ nói rằng họ đang bay trên không phận quốc tế, phía Trung Quốc đã đáp trả bằng thứ tiếng Anh không được chuẩn lắm: "Đây là hải quân Trung Quốc... Các người đi mau!"
Chiếc máy bay liên quan tới sự kiện là P8-A Poseidon. Đây là mẫu máy bay do thám hiện đại nhất của quân đội Mỹ. Nó hoạt động ở điểm thấp nhất là 4.500 mét.
Sự kiện, diễn ra cùng việc gần đây Trung Quốc đưa ra cảnh báo tương tự với máy bay quân đội Philippines, cho thấy Bắc Kinh đang cố áp đặt một khu vực quản lý trên các đảo nhân tạo mới.
Một số chuyên gia an ninh lo ngại nguy cơ xung đột sẽ tăng lên, đặc biệt là sau khi giới chức Mỹ nói hồi cuối tuần trước rằng Lầu Năm Góc đang cân nhắc việc điều tàu chiến, máy bay quân sự tới các đảo nhân tạo trên để khẳng định quyền tự do đi lại trên biển và trên không.
Các đoạn video do chiếc P8-A Poseidon thu được và phát trên CNN cho thấy hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo vẫn diễn ra, bên cạnh nhiều công trình xây dựng khác. Nó cũng cho thấy sự hiện diện của đông đảo tàu chiến Mỹ.
CNN nói rằng đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc giải mật các đoạn video nói về hoạt động xây dựng của Trung Quốc, cũng như những tuyên bố thách thức chiếc máy bay Mỹ phát đi từ phía Trung Quốc.
"Chúng tôi bị thách thức cách nay 30 phút và sự thách thức tới từ hải quân Trung Quốc," Đại úy Mike Parker, chỉ huy chiếc máy bay do thám Poseidon được điều tới châu Á, cho phóng viên CNN biết khi đôi bên đang trong chuyến bay.
Ông cho rằng lời cảnh báo được đưa ra từ các đảo nhân tạo và còn chỉ vào một đài radar cảnh báo sớm được lắp đặt trên Đá Chữ thập.
Một chỉ huy quân đội Mỹ gần đây nói với Reuters rằng các cơ sở quân sự xây trên Đá chữ thập, gồm một đường băng dài 3.000 mét, có thể đi vào hoạt động trong cuối năm nay.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố có chủ quyền trên khắp khu vực Biển Đông, nơi các đoàn tàu thương mại chở theo hàng hóa trị giá hơn 5.000 tỷ USD đi qua mỗi năm. Tuyên bố này đã vấp phải sự phản đối của các quốc gia láng giềng, trong đó Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc từng tuyên bố có quyền lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, nhưng các điều kiện hiện nay chưa cho phép.
ADIZ được một số nước dùng để thể mở rộng sự kiểm soát vượt xa ngoài biên giới quốc gia, thông qua việc yêu cầu các máy bay dân sự và quân sự đi vào vùng này phải nhận diện, nếu không sẽ bị can thiệp về mặt quân sự.
Theo CNN, trong quá trình chiếc P8-A làm nhiệm vụ, phi công một chuyến bay của hãng Delta Air Line đi vào khu vực và sử dụng cùng tần số sóng liên lạc đã nhận dạng mình là máy bay thương mại. Phía Trung Quốc bèn trấn an viên phi công và chuyến bay của Delta đã tiếp tục hành trình./.