Hàng loạt giải pháp khắc phục khó khăn sau một tháng học trực tuyến

Sau một tháng dạy và học trực tuyến, nhiều giải pháp đã được các cơ quan quản lý và giáo viên triển khai để khắc phục các khó khăn của hình thức này như đa dạng phần mềm, tập huấn ứng dụng công nghệ.
Hàng loạt giải pháp khắc phục khó khăn sau một tháng học trực tuyến ảnh 1Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên về dạy trực tuyến và dạy học qua truyền hình. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Đa dạng phần mềm dạy học, tập huấn tăng cường kỹ năng công nghệ cho giáo viên, linh hoạt trong hình thức giảng dạy và giao bài tập… là hàng loạt giải pháp đã được các giáo viên, nhà trường, cơ quản quản lý giáo dục triển khai để khắc phục các khó khăn trong dạy và học trực tuyến.

Để những giờ dạy không đứt đoạn

Bắt đầu từ tháng 10 này, cô và trò Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã chuyển sang dạy và học trực tuyến bằng ứng dụng Microsoft Teams. “Với ứng dụng dạy học mới, con tôi không còn bị thoát ra nhiều lần như khi sử dụng phần mềm Zoom trong tháng Chín. Nếu trước đây, con liên tục bị out ra, vừa học hành đứt đoạn, vừa ức chế tinh thần, thì bây giờ con có thể theo dõi xuyên suốt các buổi học nên hào hứng hẳn lên,” chị Nguyễn Huyền, một phụ huynh của trường chia sẻ.

Tương tự, Trường Trung học Cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đang thí điểm triển khai song song hai phần mềm dạy học Zoom và Google Meet.

Theo thầy Nguyễn Văn Trung, giáo viên của trường, các thầy cô chủ yếu chọn Zoom vì phần mềm này có nhiều tính năng, lại dễ sử dụng. Tuy nhiên, do gần đây đường truyền mạng đôi khi trục trặc, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chuyển sang phương án chuyển sang Google Meet nếu trong quá trình dạy học đường truyền Zoom không ổn định.

"Khi áp dụng phương thức này, chúng tôi thấy chất lượng đường truyền đã cải thiện hơn," thầy Trung nói.

Trong khi nhiều trường vẫn đang thử nghiệm thì tại quận Ba Đình (Hà Nội), việc đa dạng ứng dụng đã được triển khai ngay từ đầu năm học 2021-2022. Theo ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Giáo dục quận Ba Đình, trong năm học 2020-2021, phần mềm dạy trực tuyến chủ yếu được các trường trên địa bàn quận sử dụng là Zoom. Tuy nhiên, việc vận hành gặp nhiều khó khăn như cứ 40 phút là bị thoát ra, giật... khi lượng người dùng lớn, không có chức năng trường trực tuyến mà chỉ là công cụ dạy học trực tuyến…

Từ bất cập này, Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Ba Đình đã chuyển sang sử dụng hệ sinh thái Google Workspace, khai thác đầy đủ các tính năng của Google Classroom để xây dựng các lớp học, xây dựng các phòng họp với đầy đủ tính năng, dung lượng lưu trữ không giới hạn cho các trường học, thầy cô giáo.

“Năm học này, 100% các trường vận hành trường học trực tuyến, 92% sử dụng Google Classroom, 6% sử dụng MS Team; 2% sử dụng các ứng dụng khác,” ông Thuận cho hay.

Theo cô Trần Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thống Nhất, quận Ba Đình, việc sử dụng đa dạng các ứng dụng dạy học đã giúp giáo viên có thể chuyển đổi linh hoạt, đảm bảo giờ học không bị đứt đoạn, từ đó đảm bảo được chất lượng dạy và học.

Hàng loạt giải pháp khắc phục khó khăn sau một tháng học trực tuyến ảnh 2Các giáo viên của Trường THCS Hoàng Mai dùng phần mềm tạo trò chơi, hỏi-đáp tăng tương tác với học sinh. (Ảnh: FB trường THCS HM)

Ngoài việc sử dụng nhiều biện pháp để giúp giờ học liền mạch, tránh gián đoạn, cô giáo Chu Thị Xuân Hường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai cho hay các giáo viên của trường luôn sáng tạo trong việc sử dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường tương tác với học sinh. Đó là các phần mềm trò chơi lồng ghép truyền tải kiến thức, giúp học sinh bộc lộ cảm xúc tự nhiên trong tiết dạy, giúp thầy cô hiểu tâm tư, cảm xúc của con để từ đó có phương pháp giáo dục tốt nhất.

Giảm tải chương trình, tập huấn giáo viên

Trước việc hàng chục địa phương trên cả nước phải tổ chức dạy và học trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh giản lược nội dung dạy và học, tập trung vào các yêu cầu cốt lõi.

Trong tháng Chín, Bộ cũng đã tổ chức tập huấn về dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các cấp của tất cả các địa phương.

Bên cạnh việc tập huấn của Bộ, các sở, phòng giáo dục đào tạo ở các địa phương cũng tích cực đẩy mạnh công tác tập huấn giáo viên.

Theo ông Lê Đức Thuận, trong 8 tháng đầu năm 2021, bên cạnh các khóa tập huấn chung của Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã tổ chức bồi dưỡng 15 chuyên đề với sự tham gia của hàng nghìn cán bộ, giáo viên của các trường học trên địa bàn.

Cô Trần Lan Hương nhận định việc tham gia tập huấn dạy trực tuyến cộng với tập huấn triển khai chương trình giáo dục mới, tìm tòi các phương pháp giáo dục hiệu quả… cũng khiến cho giáo viên khá vất vả, phải dành nhiều thời gian học tập, mày mò để có thể làm chủ được các công cụ hỗ trợ.

[Bộ Tài chính đề xuất hỗ trợ học sinh mua máy tính học trực tuyến]

“Tuy nhiên, do nội dung tập huấn thiết thực và có thể ứng dụng ngay vào các giờ dạy thiết kế bài giảng điện tử như cách tổ chức dạy học trực truyến trên phần mềm công cụ, cách thức xây dựng và vận hành trường học trực tuyến… nên các giáo viên đã rất hào hứng khi tham gia các buổi tập huấn này. Điều đó cũng tạo thuận lợi rất lớn cho các giáo viên, nhà trường trong việc triển khai dạy trực tuyến, nâng cao chất lượng dạy và học theo hình thức này trong bối cảnh phòng chống dịch,” cô Hương chia sẻ.

Hàng loạt giải pháp khắc phục khó khăn sau một tháng học trực tuyến ảnh 3Học sinh học trực tuyến trong giai đoạn nghỉ vì dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Với các khóa tập huấn của cơ quan quản lý và sự tự nỗ lực tìm tòi, học hỏi các giáo viên, nhiều ứng dụng với các tính năng tích cực đã được các thầy cô áp dụng linh hoạt. Nhiều trường học đã sử dụng nền tảng Google Classroom để điều hành và quản lý công tác dạy học; sử dụng ứng dụng Google Meet là phần mềm chính để tổ chức dạy học; sử dụng thêm ứng dụng ClaassPoint và các phần mềm tương tự để tương tác với học sinh, sử dụng ứng dụng Azota kết hợp với Google Form và các ứng dụng khác có liên quan để tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ.

Ứng dụng Azota cũng được nhiều giáo viên ở nhiều trường học khác lựa chọn. Thầy Nguyễn Văn Trung, giáo viên Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai cho hay, trước đây, giáo viên nhận bài chủ yếu bằng cách học sinh chụp ảnh gửi qua Zalo. Tuy nhiên, hình thức này khiến giáo viên rất khó quản lý. Việc trả lời đi trả lời lại tin nhắn cũng mất rất nhiều thời gian.

“Sử dụng Azota rất tiện, giáo viên chỉ cần tạo một link, gửi vào nhóm Zalo lớp. Học sinh chụp bài và đính ảnh vào link là giáo viên có thể nhận được bài của học sinh, trong đó thống kê rất rõ em nào nộp, em nào chưa nộp. Việc tổ chức cho các em làm bài kiểm tra trên trang này cũng rất thuận tiện,” thầy Trung chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành giáo dục xác định phải chuyển trạng thái từ dạy học trực tuyến/dạy học qua truyền hình là giải pháp tình thế sang chủ động và có kế hoạch dạy học theo hình thức này. Đây cũng là cách để ngành giáo dục có thể đạt được ba mục tiêu: An toàn vì dịch, hoàn thành chương trình năm học và kiên trì mục tiêu chất lượng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục