Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Sĩ, Australia và Canada được đăng tải trên tạp chí Biến đổi Khí hậu Tự nhiên ngày 26/2, hiện tượng thời tiết nóng bức có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới trong 15 năm qua.
Thời tiết nóng bức là một trong số những hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội và đời sống của con người.
Đợt thời tiết nắng nóng ở Nga năm 2010 đã khiến 55.000 người tử vong. Trước đó vào năm 2003, nắng nóng cũng đã làm 66.000 người tử vong tại châu Âu.
Năm 2010, Pakistan từng ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục 53,5 độ C, cao nhất ở khu vực châu Á kể từ năm 1942.
Cũng theo báo cáo, số ngày nắng nóng của bề mặt Trái Đất đã tăng dần đều từ 10, 30 lên đến 50 ngày trong giai đoạn 1979-2010. Ở một số khu vực, con số này còn tăng gấp đôi với tần suất tăng nhiệt cao hàng năm, điển hình là tại Bắc Cực và khu vực xích đạo.
Ngoài ra, theo đánh giá tổng quan của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) năm ngoái, 56 quốc gia đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục mới từ năm 2001 đến 2010, trong khi chỉ có 14 quốc gia có nhiệt độ xuống thấp kỷ lục.
Báo cáo cho biết mặc dù tốc độ ấm lên trung bình của bề mặt Trái Đất đã chậm lại từ thế kỷ 20 (các nhà khoa học cho rằng đó là hệ quả của việc đại dương hấp thụ nhiều hơi nóng hơn, nhiệt lượng từ Mặt Trời giảm do bị làn khói ô nhiễm che khuất hay do núi lửa phun trào) nhưng hiện tượng thời tiết nóng bức vẫn tiếp tục tăng và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Tại Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu ở Warsaw (Ban Lan) tháng 11/2013, gần 200 quốc gia trên thế giới nhất trí sẽ cho ra đời một hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý về chống biến đổi khí hậu vào năm 2015.
Tuy nhiên, nhà khoa học Sonia Seneviratne của Viện khoa học khí quyển và khí hậu (ETH) ở Zurich lại nhận định rằng khó có thể hy vọng chặn đứng hiện tượng thời tiết nóng bức trên. Tới nay, nguyên nhân của hiện tượng này vẫn chưa được làm sáng tỏ./.