Hội nghị ở Vancouver khó làm thay đổi được vấn đề Triều Tiên

Các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc vắng mặt ở Hội nghị ở Vancouver có nghĩa là các thỏa thuận đạt được về việc trấn áp sự lẩn tránh các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sẽ khó được thực thi.
Hội nghị ở Vancouver khó làm thay đổi được vấn đề Triều Tiên ảnh 1Các Ngoại trưởng chụp ảnh chung tại hội nghị. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Kyodo, dù được thiết lập không chính thức, nhưng sự đồng thuận tại Vancouver giữa Mỹ, Nhật Bản và 18 nước khác áp dụng mọi biện pháp ngoại giao có thể nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, phần lớn là một điều bình thường.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc - đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên - vắng mặt tại hội nghị bộ trưởng này có nghĩa là các thỏa thuận đạt được tại Vancouver về việc trấn áp sự lẩn tránh các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng sẽ khó được thi hành một cách có ý nghĩa.

['Đối thoại liên Triều không đi ngược các lệnh trừng phạt Triều Tiên']

Giáo sư Paul Evans thuộc Viện Nghiên cứu châu Á và Viện Các vấn đề toàn cầu Liu thuộc Đại học British Columbia ở Vancouver cho rằng: "Đây là cuộc gặp thực tế được sắp đặt bởi 2 cá nhân (Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland), chứ không phải là kế hoạch dài hạn cho cả 2 bên."

Theo giáo sư Evans, một động lực khiến các nước tham dự hội nghị ở Vancouver là để đưa ra sự ủng hộ nhiệt thành cho biện pháp ngoại giao, trong bối cảnh lo ngại về hành động quân sự.

Nhà nghiên cứu Isaac Stone Fish tại Trung tâm Xã hội châu Á về quan hệ Mỹ-Trung cho rằng, Chính phủ Triều Tiên có thể coi kho hạt nhân như cách để bảo vệ chính mình trước các âm mưu bên ngoài nhằm thay đổi chế độ, qua đó tránh khỏi số phận của ông Saddam Hussein ở Iraq hay ông Muammar Gaddafi ở Libya./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục