Huyện Đan Phượng có thêm hai điểm du lịch cấp thành phố

Tối 17/4, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội, tổ chức Lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch xã Hạ Mỗ, điểm du lịch Khu sinh thái Đan Phượng là điểm du lịch cấp thành phố.
Huyện Đan Phượng có thêm hai điểm du lịch cấp thành phố ảnh 1Khu sinh thái Đan Phượng có cảnh quan hấp dẫn đang là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch, nhất là vào dip cuối tuần. (Nguồn: nhandan)

Tối 17/4, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội, tổ chức Lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch xã Hạ Mỗ, điểm du lịch Khu sinh thái Đan Phượng là điểm du lịch cấp thành phố.

Hạ Mỗ là vùng đất cổ nổi tiếng với thành cổ Ô Diên, một thời là kinh đô của nhà nước Vạn Xuân ở thế kỷ thứ 6, dưới triều Hậu Nam Đế Lý Phật Tử và cũng là vùng đất sinh ra Tô Hiến Thành, vị quan Thái úy nổi tiếng dưới 3 triều vua Lý thế kỷ 13, được coi là “Bao công” của nước Việt.

Nơi này có chùa Hải Giác với kiến trúc kiểu trăm gian cùng hệ thống tượng phật thời Lê; đình Vạn Xuân có kiến trúc dạng hành cung độc đáo; là những di tích quốc gia tiêu biểu đang được đề nghị xem xét xếp hạng quốc gia đặc biệt. Hàng năm, Hạ Mỗ thu hút hàng vạn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử.

Những năm gần đây, Khu sinh thái Đan Phượng-The Phoenix Garden đang trở thành điểm tham quan, vui chơi phổ biến với nhiều gia đình và các bạn trẻ. Khu vực trung tâm khu đô thị sinh thái rộng 5ha gồm các quần thể: Chùa Đại Từ Ân, quảng trường Cực Lạc và hồ điều hòa. Ở đây còn có dòng sông lịch sử, không gian văn hóa Tây Bắc, khu trung tâm vui chơi giải trí, khu vực ẩm thực chợ quê.

Điểm nhấn của khu sinh thái là khu vực trồng hoa được ví như Đà Lạt thu nhỏ trong lòng Thủ đô. Bãi cỏ nhân tạo tại The Phoenix Garden cũng là địa điểm lý tưởng để cắm trại, thư giãn.

Trước những lợi thế du lịch, khả năng thu hút khách cũng như sự quan tâm đầu tư của huyện Đan Phượng với 2 điểm du lịch này, thành phố Hà Nội đã quyết định điểm du lịch xã Hạ Mỗ, điểm du lịch Khu sinh thái Đan Phượng là điểm du lịch cấp thành phố.

Tại lễ đón nhận, lãnh đạo huyện Đan Phượng khẳng định, huyện sẽ tập trung tổ chức các hoạt động, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của du khách để thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

[Hà Nội: Hàng nghìn sản phẩm, dịch vụ du lịch nội địa hấp dẫn năm 2021]

Trước đó, chiều 17/4, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với huyện Đan Phượng tổ chức tọa đàm liên kết hợp tác phát triển du lịch huyện Đan Phượng. Lãnh đạo huyện Đan Phượng cho biết sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch truyền thống, thân thiện với môi trường để thu hút khách du lịch, trong đó, tập trung phát triển du lịch sinh thái.

Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải, Đan Phượng là huyện ngoại thành ở phía Tây của Thủ đô Hà Nội, được biết đến là một vùng đất “địa linh nhân kiệt,” giàu truyền thống lịch sử và văn hóa.

Nơi đây đã sản sinh ra nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo như Chèo tàu, ca trù, thả diều, góp phần làm phong phú văn hóa Thăng Long-Hà Nội. Đặc biệt, Đan Phượng là nơi có hệ thống di tích lịch sử văn hóa dày đặc và đa dạng với 150 di tích, trong đó có 38 di tích cấp quốc gia, phù hợp với hình thức du lịch tâm linh, tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng truyền thống.

Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội cũng đề xuất huyện Đan Phượng cần phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng, bởi khoảng cách từ trung tâm thành phố đến huyện khá gần, thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần của các gia đình. Hơn nữa, lợi thế ẩm thực của huyện như Nem Phùng, lẩu cua đồng, các loại bánh sẽ có khả năng thúc đẩy du lịch ẩm thực.

Hơn nữa, hiện nay, huyện đang phát triển du lịch nông nghiệp và học đường. Các doanh nghiệp đề xuất, thời gian tới, huyện cần phối hợp với các doanh nghiệp du lịch xây dựng những sản phẩm đặc thù cho 2 loại hình du lịch này.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, Đan Phượng là huyện ven đô, nằm ngay bên sông Hồng, giàu truyền thống văn hóa nên có nhiều lợi thế cho phát triển du lịch. Nhưng khi phát triển du lịch thì cả chính quyền và người dân phải cùng vào cuộc. Không chỉ xây dựng điểm du lịch hấp dẫn, huyện cũng cần tính đến hệ thống dịch vụ như ăn uống, lưu trú, bởi thực tế, Đan Phượng cũng có nhiều lợi thế phát triển hệ thống lưu trú chất lượng cao.

Ông Hồ Xuân Phúc, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Thương mại và Đầu tư Hà Nội (Hanotours) cho rằng Đan Phượng có tới 3 dòng sông chảy qua sông Hồng, sông Đáy và sông Nhuệ, vì vậy, huyện nên đầu tư chợ nổi để phục vụ du lịch. Bởi, hình thức này mới có ở khu vực phía Nam, nếu xây dựng được chợ nổi trên sông sẽ tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục