Hy Lạp hy vọng sẽ tạo ra khoản đầu tư khoảng 44 tỷ euro (49 tỷ USD) trong thập kỷ tới cho các dự án nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào nhiên liệu hóa thạch.
Nội các Hy Lạp ngày 28/11 đã thông qua một chiến lược mới, theo đó nước này sẽ giảm hơn 55% lượng khí thải carbon vào năm 2030 từ mức của năm 2005 và sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện vận hành bằng than đá trong 8 năm tới.
Bên cạnh đó, thủy điện, điện gió, điện Mặt Trời dự kiến sẽ chiếm ít nhất 35% tiêu thụ năng lượng, so với khoảng 15% trong năm 2016, với các khoản đầu tư trị giá khoảng 9 tỷ euro.
Hiện nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt chiếm hơn 65% tổng mức tiêu thụ năng lượng ở Hy Lạp.
[LHQ: Cần 300 tỷ USD để làm chậm quá trình nóng lên của Trái Đất]
Các khoản đầu tư khác sẽ được chi cho mạng lưới khí đốt tự nhiên và các dự án tái chế. Athens dự kiến khoản đầu tư trên sẽ bao gồm phần lớn chi tiêu của chính phủ, kết hợp với các quỹ của Liên minh châu Âu (EU) và đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, nước này sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ euro trong 10 năm tới để giúp khắc phục thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu như lũ lụt và cháy rừng.
Mới đây, giới chức Hy Lạp cho biết nước này sẽ phát động một chương trình thử nghiệm tái chế rác thải, trong bối cảnh Athens đang chậm trễ trong việc hoàn thành mục tiêu tái chế rác thải mà EU đặt ra.
Bộ trưởng Nội vụ Hy Lạp Takis Theodorikakos thừa nhận nước này "chậm chạp hơn" trong việc tái chế rác thải so với các quốc gia khác trong EU.
Trong khi tỷ lệ tái chế rác thải ở Hy Lạp chỉ chiếm khoảng 18%, thì tỷ lệ trung bình ở các nước châu Âu là 45%. Trong khi đó, mục tiêu mà EU đặt ra cho các quốc gia thành viên ở mức 50% đến năm 2020./.