Hy vọng mới sau 3 thập kỷ nghiên cứu bệnh AIDS

Các nhà khoa học trên thế giới chưa bao giờ ngừng tìm kiếm các phương pháp điều trị AIDS và nhiều hy vọng mới đang được mở ra.
Ngày 20/5 vừa qua là tròn 30 năm phát hiện virus HIV gây bệnh AIDS. Trong 3 thập kỷ qua, bệnh AIDS đã cướp đi sinh mạng của 30 triệu người trên thế giới và hiện vẫn chưa có một loại vắcxin hữu hiệu nào có thể phòng ngừa được căn bệnh thế kỷ này. Tuy nhiên, các nhà khoa học trên thế giới chưa bao giờ ngừng nỗ lực tìm kiếm các phương pháp điều trị AIDS và nhiều hy vọng mới đang được mở ra.

Cách đây 30 năm, vào ngày 20/5/1983, một nhóm nhà khoa học do giáo sư người Pháp Luc Montagnier đứng đầu, đã phát hiện ra một loại virus mới, sau đó xác định là "thủ phạm" gây Hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS).

Virus HIV xâm nhập cơ thể làm suy yếu dần hệ miễn dịch của cơ thể, khiến cho các mầm bệnh thừa cơ hội tấn công, gây ra nhiều chứng và bệnh nguy hiểm. Khi sức đề kháng của cơ thể suy kiệt, bệnh nhân sẽ tử vong.

Những nỗ lực tìm kiếm phương pháp điều trị căn bệnh này bắt đầu có hy vọng từ năm 1996 khi liệu pháp điều trị kháng retrovirus (gọi tắt là điều trị ARV) cho người có HIV được áp dụng. Nó đã giúp người có HIV cải thiện sức khoẻ và kéo dài thời gian sống, cũng như giảm nguy cơ lây truyền bệnh. Cho đến nay, trên thế giới cũng đã ghi nhận một trường hợp bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên được chữa khỏi.

Bệnh nhân người Đức Timothy Ray Brown đã được ghép tủy sống từ một người có đột biến gien kháng HIV hiến tặng (vốn có khả năng miễn nhiễm tự nhiên với virus HIV). Thành công này mở ra triển vọng có thể tìm ra phương pháp điều trị bệnh AIDS có hiệu quả trong tương lai.

Theo thống kê mới nhất của Liên hợp quốc, số người nhiễm HIV trên thế giới tăng từ 33,5 triệu trong năm 2010 lên 34 triệu trong năm 2011. Phần lớn bệnh nhân nhiễm HIV sống ở vùng Nam sa mạc Sahara của châu Phi với hơn 23,5 triệu người và khoảng 4,2 triệu bệnh nhân khác sống ở các nước Nam và Đông Nam Á./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục