Indonesia, Myanmar thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Nam-Nam

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia A.M Fachir đã tới thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ Nam-Nam.
Indonesia, Myanmar thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Nam-Nam ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia A.M Fachir và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar U Hla Tun Majesty. (Nguồn:kemlu.go.id)

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia A.M Fachir đã tới thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ Nam-Nam.

Trong cuộc họp với Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar, U Hla Tun Majesty, tại Nay Pyi Taw cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Fachir đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị Á-Phi vào năm 1955; đánh giá cao vai trò của Myanmar, một trong những nước khởi xướng phong trào này, tại lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị thượng đỉnh Á-Phi sắp tới tại Bandung, Indonesia.

Thứ trưởng Fachir cũng thông báo một hoạt động quan trọng trong chuỗi sự kiện sắp tới sẽ diễn ra tại Jakarta trong tháng 4 là Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh (AABS), đồng thời bày tỏ mong muốn các doanh nghịêp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Myanmar sẽ tham gia vào AABS nhằm đóng góp tích cực vào sự phát triển của hợp tác Nam-Nam.

Về phần mình, Bộ trưởng U Hla Tun bày tỏ nhận thức được tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh Á-Phi và mong muốn tham dự như một đối tác tốt của Indonesia và các nước khác, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế ở châu Á và châu Phi trong tương lai.

Chuyến thăm này là một phần trong một loạt các chuyến thăm của Đặc phái viên Tổng thống Joko Widodo nhằm chuyển lời mời đến một số quốc gia ở châu Á và châu Phi tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Á-Phi và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược mới Á-Phi (NAASP) sẽ được tổ chức tại Jakarta và Bandung từ 22-24/4 tới.

60 năm sau khi diễn ra các hội nghị thượng đỉnh Á-Phi đầu tiên ở Bandung, các nước trong khu vực đã trải qua một sự biến đổi và đạt được những tiến bộ quan trọng trong sự phát triển.

Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong tương lai. Vì vậy, tinh thần của Bandung vẫn rất phù hợp với ngày nay để được áp dụng nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết và hữu nghị giữa các quốc gia hướng tới hòa bình và thịnh vượng chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục