Iran: Đàm phán hạt nhân khó đạt thỏa thuận toàn diện

Bộ Ngoại giao Iran cho biết hiện vẫn chưa thể đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện với nhóm P5+1 trong vòng đàm phán mới nhất tại Vienne.

Ngày 18/2, Bộ Ngoại giao Iran cho biết hiện vẫn chưa thể đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện với nhóm P5+1 trong vòng đàm phán mới nhất tại Vienne, Áo.

Theo người phát ngôn bộ trên Marzieh Afkham, phía Iran không hy vọng vòng đàm phán hạt nhân mới này sẽ có được các kết quả tức thời, bởi đây là một tiến trình "dài, khó khăn và phức tạp, cần từng bước thực hiện một cách thận trọng và cảnh giác."

Bà Afkham cho biết hai bên chủ yếu thảo luận về khuôn khổ các cuộc đàm phán tiếp theo với trọng tâm là vấn đề hạt nhân của Iran, đồng thời khẳng định chương trình quân sự và quốc phòng của Iran không liên quan tới đàm phán hạt nhân.

Ngoài ra, bà Afkham dẫn phát biểu của Lãnh tụ tinh thần Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei ngày 17/2 vừa qua, trong đó ông Khamenei cũng không lạc quan về các cuộc đàm phán và hối thúc các nhà đàm phán Iran lưu ý tới "các điều kiện tiên quyết" về quyền hạt nhân của Iran.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran về Các vấn đề Pháp lý và Quốc tế Abbas Araqchi ngày 18/2 cho biết vòng đàm phán mới "đã khởi đầu rất tốt" và sẽ tập trung vào "thiết lập một chương trình nghị sự."

Trả lời phỏng vấn sau phiên họp đầu tiên, ông Araqchi tuyên bố Iran đã sẵn sàng chứng minh với Nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân hòa bình của mình, cũng như cam kết không bao giờ chuyển đổi sang các mục tiêu phi hòa bình khác. Bên cạnh đó, ông Araqchi bác bỏ thông tin trước đó cho rằng chương trình hạt nhân của Iran cùng các cơ sở vật chất sẽ bị dỡ bỏ.

Khởi động vào ngày 18/2, vòng đàm phán mới giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh và Pháp với Đức) và được các bên đánh giá là rất tích cực.

Tuy nhiên, theo ông Michael Mann, người phát ngôn của quan chức phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton, đây mới chỉ là bước khởi đầu để hướng tới mục tiêu tìm một giải pháp toàn diện cho hồ sơ hạt nhân của Iran.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh cũng kêu gọi tăng cường các nỗ lực và lòng tin ngoại giao trong xử lý vấn đề hạt nhân "phức tạp và nhạy cảm" của Iran.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 18/2 đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia Hồi giáo đoàn kết nhằm đối phó với các mối đe dọa chưa từng có mà những nước này đang đối mặt.

Lời kêu gọi trên được ông Rouhani đưa ra trong bài phát biểu khai mạc tại hội nghị lần thứ 9 Liên minh Nghị viện các nước thuộc tổ chức các nước Hồi giáo (IIPU) tại Tehran.

Ông Rouhani cảnh báo rằng áp lực quốc tế và các mối đe dọa khác nhau về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới thế giới Hồi giáo, đồng thời kêu gọi các quốc gia này đoàn kết và thống nhất nhằm đối phó thích hợp và kịp thời.

Tổng thống Iran cũng bày tỏ hy vọng rằng hội nghị IIPU sẽ tạo cơ hội cho sự tăng cường hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa các quốc gia Hồi giáo.

IIPU được thành lập năm 1999 theo một sáng kiến do Iran đưa ra nhằm tăng cường sự hợp tác giữa nghị viện của các quốc gia Hồi giáo, đối phó với các thách thức mà những nước này phải đối mặt./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục