Theo trang mạng The Atlantic, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa thực sự công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông.
Có những ý kiến cho rằng Palestine, một chủ thể trong kế hoạch này, lại không được mời tham gia các cuộc thảo luận. Tuy nhiên, có những lời xì xào cho rằng nhiều khả năng sự sắp đặt sẽ bắt đầu với các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế để Palestine chấp nhận việc dần quy phục nhà nước Israel, giải pháp một nhà nước trong cách nói ngoại giao.
Nếu đó là cách tiếp cận của cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner thì đây sẽ là sự đảo ngược chính sách của Washington, vốn cho đến thời điểm này vẫn tập trung vào việc áp đặt những khó khăn kinh tế đối với Palestine để khiến họ phải chấp nhận những gì mà Kushner gọi là “sự thật.”
Việc Kushner giữ bí mật kế hoạch này đã không cản trở Trump công khai kế hoạch vốn được coi là một “thỏa thuận của thế kỷ.”
Giai đoạn một sẽ là một cuộc gặp “Hòa bình cho Thịnh vượng” ở Bahrain. Tại đây, Washington hy vọng các quốc gia vùng Vịnh sẽ cung cấp khoản đầu tư trị giá 68 tỷ USD cho Palestine, Ai Cập, Jordan và Liban để các nước này dễ dàng chấp nhận “những sự thật” chính trị sau này, tức việc áp đặt những kết quả chính trị không mong muốn như di dời Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem.
Chia sẻ với tờ New York Times, giới chuyên gia Trung Đông đã tỏ ra không mấy mặn mà gì về những triển vọng của kế hoạch.
Chuyên gia Tamara Cofman Wittes cho rằng việc “mua chuộc” sự chấp thuận của Palestine đối với một kết quả chính trị không được tuyên bố “có thể tạo điều kiện để nảy sinh bất kỳ kế hoạch chính trị nào.”
Chuyên gia Aaron David Miller cho rằng đây không phải là cách tiếp cận mới mẻ: “Nếu Mỹ đã có thể đem lại hòa bình ở Trung Đông thông qua phát triển kinh tế thì họ đã làm vậy rồi."
Chuyên gia Robert Satloff kết luận “cách duy nhất để bảo vệ sự tồn tại lâu dài của các khía cạnh tốt đẹp nhất trong kế hoạch của Kushner là khai tử kế hoạch này.”
Dù không phải là chuyên gia lỗi lạc về những triển vọng hòa bình Trung Đông nhưng Quốc vương Jordan Abdullah lại cho rằng nền hòa bình cho khu vực này có thể đạt được.
Theo ông, “nền hòa bình duy nhất có thể chấp nhận được sẽ là một nền hòa bình lâu dài và toàn diện dựa trên giải pháp hai nhà nước, dẫn đến một nhà nước Palestine độc lập dựa trên thỏa thuận phân định biên giới vào ngày 4/6/1967, theo đó Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine.”
[Nội bộ Mỹ vẫn hoài nghi về kế hoạch hòa bình Trung Đông]
Thế nhưng, rõ ràng, đây lại không phải là điều mà Kushner muốn thực hiện. Kushner dường như nghĩ rằng các bên phần lớn liên quan trực tiếp đến tranh chấp Israel-Palestine trong vòng 70 năm qua đã không hiểu họ đang bàn luận về điều gì.
“Nếu bạn nói về cụm từ ‘hai nhà nước’ thì Israel sẽ hiểu theo một nghĩa và Palestine sẽ hiểu theo một nghĩa khác. Vì vậy, chúng ta không nên đề cập cụm từ này,” Kushner gần đây giải thích.
Phép thuật của Kushner dường như dựa vào sự khéo léo lợi dụng vấn đề thịnh vượng (về kinh tế) như một món đồ đáng giá để đánh lạc hướng Palestine trong khi cuốn trôi đi những mong muốn chính trị của họ.
Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Chính quyền Trump nghe có vẻ mang nhiều hơi hướng của chính sách đối ngoại Trung Quốc hơn là của chính sách đối ngoại Mỹ.
Chính sách Mỹ đưa ra nguyên tắc mà những người sáng lập đã nêu trong văn hóa Mỹ: Người dân có quyền lợi cố hữu và cho chính phủ vay mượn những quyền này theo những cách thức có giới hạn vì những mục đích đã được chấp thuận.
Mỹ thường không duy trì được nguyên tắc này và một chính quyền Mỹ đã thực sự rời bỏ nguyên tắc này mà không hề nhận ra điều đó.
Chính sách của Trung Quốc, cả đối nội và đối ngoại, đều dựa trên cơ sở lập luận rằng chính phủ sẽ thiết lập các điều kiện cho thịnh vượng, và đổi lại, người dân phải từ bỏ tự do chính trị.
Họ ưu tiên “nhấn mạnh vào các quyền lợi kinh tế hơn là quyền lợi chính trị cá nhân trong quá trình phát triển quy tắc toàn cầu,” như chuyên gia Michael Swaine lập luận, và muốn thiết lập một “cộng đồng quốc tế của vận mệnh chung cho loài người” theo cách của Trung Quốc.
Jared Kushner và nhân viên còn lại của Chính quyền Trump dường như bỏ ngoài tai cảnh báo của chính khách được mệnh danh “người Mỹ đầu tiên,” ông Benjamin Franklin rằng “những ai từ bỏ tự do thực chất để theo đuổi chút an toàn tạm thời thì sẽ mất cả tự do và an toàn.”
Thế nhưng, người Palestine, Jordan và các nước khác từng trải qua các cuộc mặc cả khó khăn lại có thể biết đến cảnh báo này. Đó là lý do vì sao kế hoạch hòa bình Trung Đông của Chính quyền Trump vừa không khả thi ngay từ đầu, vừa thể hiện sự tồi tệ trong chính sách đối ngoại của Mỹ./.