Khai mạc Hội nghị về biến đổi khí hậu và tan băng vĩnh cửu tại LB Nga

Ngày 22/3 tại thành phố Yakutsk của CH Sakha thuộc LB Nga đã khai mạc Hội nghị khoa học và thực tiễn về biến đổi khí hậu và tan băng vĩnh cửu theo hình thức cả trực tiếp và trực tuyến.
Khai mạc Hội nghị về biến đổi khí hậu và tan băng vĩnh cửu tại LB Nga ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Phys)

Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, ngày 22/3 tại thành phố Yakutsk của CH Sakha thuộc LB Nga đã khai mạc Hội nghị khoa học và thực tiễn về biến đổi khí hậu và tan băng vĩnh cửu theo hình thức cả trực tiếp và trực tuyến trong nhiệm kỳ Nga giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực 2021-2023.

Hội nghị do Bộ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực của LB Nga cùng với chính quyền CH Sakha, cũng như Đại học Liên bang Đông Bắc tổ chức. Các trường quay được thiết lập ở Moskva, Bắc Kinh (Trung Quốc) và Astana (Kazakhstan) cho diễn giả tham gia, đồng thời các phiên họp được truyền hình trực tiếp trên trang web chính thức của nước chủ tịch Nga.

Hội nghị có sự tham gia của khoảng 500 chuyên gia là đại diện các tổ chức khoa học và khoa học-giáo dục Nga ở Moskva, St. Peterburg, Khu tự trị Yamal-Nenets, Khu tự trị Nenets, Buryatia, Kabardino-Balkaria, Komi, Chukotka, Karelia, Lãnh thổ Krasnoyarsk, Murmansk, Tomsk, Novosibirsk và Tyumen, cũng như các nhà khoa học Kazakhstan, Kyrgyzstan, Mông Cổ, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản. Tham dự phiên khai mạc có ông Alexander Akimov - Phó Chủ tịch Ủy ban Cơ cấu Liên bang, Chính sách Khu vực, Chính quyền tự trị địa phương và Các vấn đề phương Bắc của Hội đồng Liên bang (Thượng viện); Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao LB Nga Nikolai Korchunov.

Các phiên thảo luận và hội nghị bàn tròn tại hội nghị này nhằm xây dựng các giải pháp thực tiễn và khoa học chung để nền kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo giới chuyên gia, biến đổi khí hậu ở Bắc Cực đang định hình tương lai của hành tinh.

Thế kỷ này, Bắc Cực sẽ nóng lên nhanh gấp 2-3 lần so với phần còn lại của thế giới. Lớp băng vĩnh cửu lưu giữ một lượng carbon đáng kể đi vào khí quyển và quá trình tan băng vĩnh cửu sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thêm vào đó tình trạng tan băng vĩnh cửu sẽ tác động tới tính toàn vẹn của toàn bộ cơ sở hạ tầng hiện đại của LB Nga, quốc gia có một phần lớn lãnh thổ nằm trên lớp băng vĩnh cửu.

[Nguy cơ mầm bệnh do biến đổi khí hậu làm tan băng Bắc cực]

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Vyacheslav Shadrin, Chuyên gia Viện Nghiên cứu nhân đạo và Vấn đề của các dân dộc thiểu số phương Bắc, Chi nhánh Siberia của Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết: Biến đổi khí hậu làm giảm số lượng đồng cỏ trên đường chăn thả. Sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu gây úng cho các khu vực trũng thấp, đặc biệt là ở vùng Bắc cực trong lãnh nguyên. Điều này đã khiến những người chăn tuần lộc không còn có thể sử dụng những đồng cỏ này.

Theo ông Vyacheslav Shadrin, hiện số đồng cỏ để chăn thả tuần lộc đã giảm gần 30%. Thêm vào đó thời tiết hiện nay ngày càng trở nên khó lường. Một số hiện tượng thời tiết diễn biến rất nhanh, và những yếu tố biến đổi khí hậu này gây khó khăn cho người chăn thả tuần lộc.

Nhà khoa học Kazakhstan, Takir Balykbaev, Giám đốc Trung tâm Sông băng khu vực Trung Á dưới sự bảo trợ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) dự báo các sông băng ở khu vực Trung Á sẽ tan chảy hoàn toàn vào cuối thế kỷ này.

Ông Balykbaev nhấn mạnh: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các sông băng của chúng ta đang tan chảy và tan chảy với tốc độ nhanh. Tức là khoảng 0,73-0,75% về diện tích/năm và về khối lượng lên tới 1%/năm, trong vòng 40-50 năm qua. Đây là sự sụt giảm rất nghiêm trọng, và các nhà khoa học của chúng tôi đã có những dự báo rằng vào cuối thế kỷ của chúng ta, hầu hết các sông băng của chúng ta có thể tan chảy hoàn toàn.”

Ông Balykbaev lưu ý, hiện vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến Kazakhstan mà ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Trung Á. Vì vậy, các vấn đề về an ninh nguồn nước sẽ được đề cập tại hội nghị.

Theo kế hoạch, hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 24/3./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục