Khánh thành Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bạch Mã

Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên-Huế có năng lực nuôi cứu hộ hơn 300 cá thể gấu tiếp nhận từ các cơ sở nuôi gấu tư nhân, các vụ vi phạm.

Một cá thể gấu. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)
Một cá thể gấu. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Sáng 17/11, tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Tổ chức Động vật châu Á phối hợp với Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức khánh thành giai đoạn 1 Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Qua hơn một năm xây dựng Giai đoạn 1, Trung tâm đã hoàn thiện khu cơ sở vật chất gồm bệnh viện gấu, khu cách ly tạm thời, hai nhà gấu đôi và bốn khu bán tự nhiên, qua đó góp phần giải quyết tình trạng thiếu cơ sở chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã do người dân tự nguyện trao trả, do tịch thu hoặc xử lý các vụ án, vụ việc vi phạm.

Hiện tại, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bạch Mã đã tiếp nhận 3 cá thể gấu đến chăm sóc và tạo điều kiện phục hồi sức khỏe, được tự do vận động cơ thể và tìm kiếm thức ăn, nhằm khôi phục dần những bản năng tự nhiên đã bị thoái hóa từ lâu.

Dự án “Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam cơ sở II” được thực hiện từ năm 2022 và dự kiến hoàn thiện vào năm 2026, do Tổ chức Động vật châu Á tài trợ với kinh phí viện trợ không hoàn lại 10,5 triệu USD (tương đương 242,5 tỷ đồng).

Trung tâm được xây dựng ở Khu Hành chính của Vườn Quốc gia Bạch Mã với diện tích 12,7 ha, gồm 12 nhà gấu; 12 khu bán hoang dã; khu hành chính và nghỉ dưỡng cho nhân viên; khu cách ly; khu bệnh viện thú y; khu chế biến thức ăn cho gấu; khu giáo dục truyền thông; khu xử lý chất thải và các khu tiện ích cơ sở hạ tầng khác.

Trung tâm có năng lực nuôi cứu hộ hơn 300 cá thể gấu tiếp nhận từ các cơ sở nuôi gấu tư nhân, các vụ vi phạm.

Dự án Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bạch Mã được thực hiện với mục tiêu chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu còn lại trong các hộ gia đình và cá nhân trên cả nước vào cuối năm 2026.

Theo Tổ chức Động vật châu Á, do bị thu hẹp môi trường sống với sự biến mất dần của các cánh rừng tự nhiên cùng nạn săn bắt gấu lấy mật, ước tính số lượng gấu trong môi trường hoang dã ở Việt Nam chỉ còn vài trăm cá thể.

Trong khi đó, hơn 300 cá thể gấu đang bị giam cầm trong các trại nuôi nhốt gấu trên cả nước với mục đích lấy mật.

Loài gấu trong môi trường hoang dã có tuổi thọ trung bình khoảng 30-35 năm, nhiều cá thể gấu bị nuôi nhốt lấy mật đã dành đến 2/3 quãng đời của mình chịu đựng điều kiện sống thiếu thốn và phi tự nhiên trong cũi sắt chỉ rộng vừa bằng kích thước cơ thể.

Với thực tế đó, Tổ chức Động vật châu Á cam kết chăm sóc trọn đời cho tất cả gấu được cứu hộ về trung tâm, để quãng đời còn lại chúng được sống trong sự an toàn, tự do, và bình yên.

Tổ chức Động vật châu Á đã bắt đầu cứu hộ gấu tại Việt Nam từ năm 2007, đến nay đã cứu hộ được 261 cá thể gấu (gấu chó và gấu ngựa) và phần lớn đưa gấu cứu hộ về sống trong Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục