Khoảng cách thế hệ thời đại số đe dọa sự phát triển ở châu Phi

Với các chính sách gây cản trở xu hướng đổi mới sáng tạo kỹ thuật số, chính phủ nhiều nước châu Phi đang kìm hãm sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ được cho là sẽ tạo ra việc làm của tương lai.
Khoảng cách thế hệ thời đại số đe dọa sự phát triển ở châu Phi ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: euractiv.com)

Trang mạng project-syndicate.org mới đây đăng bài phân tích của tác giả Perseus Mlambo về tình trạng nhiều nhà lãnh đạo châu Phi có thời gian tại vị kéo dài vài thập kỷ và đang ngày càng mất sự liên hệ với dân số trẻ bùng nổ ở lục địa này, khiến triển vọng của châu lục sẽ không có gì sáng sủa hơn trong thời đại kỹ thuật số.

Thay vì tạo điều kiện và nuôi dưỡng lĩnh vực có thể giúp giải quyết nhu cầu cấp bách của châu lục về tạo việc làm mới, các chính phủ châu Phi đang kìm hãm lĩnh vực đầy tiềm năng này với các loại thuế và quy định mới.

Tác giả Mlambo là nhà sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) của Zazu, một công ty công nghệ tài chính chuyên về đơn giản hóa việc tiếp cận các dịch vụ tài chính ở Nam Sahara châu Phi, cựu thành viên của Văn phòng Đạo đức - Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn. Nội dung bài phân tích như sau:

Châu Phi là lục địa có dân số trẻ nhất trên thế giới. Tuy nhiên, với độ tuổi trung bình là 62, nguyên thủ quốc gia nhiều nước châu Phi đang có xu hướng cầm quyền lâu hơn và các nhà lãnh đạo này dường như ít có sự liên hệ chặt chẽ với giới trẻ châu Phi.

Tháng 4/2018, khi tham dự sự kiện ở London (Anh), Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đã cho rằng giới trẻ Nigeria lười biếng và trông đợi vào những ban phát từ chính phủ.

Phát biểu của ông Buhari gây ra phản ứng dữ dội trên phương tiện truyền thông xã hội với cụm từ "Giới trẻ Nigeria lười biếng."

Trong khi đó, nền tảng cho vay dựa trên điện thoại di động OneFi của Nigeria đã cho thấy nhiều khách hàng quyết đoán, dám nghĩ dám làm.

Sự ra đời và phát triển của phần lớn các công ty khởi nghiệp công nghệ châu Phi như OneFi là dựa trên sự bùng nổ của Internet di động trên khắp lục địa.

Với dự đoán khoảng 725 triệu người dùng điện thoại thông minh vào năm 2020 và lượng truy cập Internet dự kiến sẽ tăng 130% trong 6 năm tới, nền kinh tế kỹ thuật số của châu Phi có thể tạo ra hàng triệu việc làm cho thanh niên trên khắp châu lục.

Trong bối cảnh gần 2/3 dân số khu vực Nam Sahara châu Phi dưới 25 tuổi và hàng năm khoảng 29 triệu thanh niên bước vào độ tuổi lao động, tạo dựng cơ hội việc làm mới là điều vô cùng cần thiết đối với tương lai của châu Phi.

Thật không may, xu hướng tăng cường các quy định khắt khe của các chính phủ ở lục địa này có nguy cơ ngăn cản mục tiêu tạo việc làm mới.

Giống như các chính phủ trên toàn thế giới hiện nay, chính phủ các nước châu Phi luôn cố gắng theo kịp tốc độ đổi mới công nghệ. Khi công nghệ định hình lại một cách cơ bản cuộc sống hàng ngày, làm thay đổi lối giao tiếp, tiếp cận phương tiện truyền thông và phương thức thanh toán hàng hóa, dịch vụ, nhiều chính phủ mới chợt nhận thức được sự bùng nổ của nền kinh tế kỹ thuật số.

Tuy nhiên, thay vì tiếp cận những điều mới đó một cách thông minh và ban hành các quy định với nhiều tầng nấc phù hợp khác nhau, nhiều chính phủ ở châu Phi đang áp dụng các biện pháp mạnh tay, mang tính mệnh lệnh từ trên xuống được đánh giá là có thể kìm hãm sự bùng nổ của khởi nghiệp.

[Facebook tuyên bố sẽ phóng vệ tinh để đưa Internet đến châu Phi]

Mới đây, Uganda đã áp dụng thuế truyền thông xã hội nhằm ngăn chặn sự lan truyền của tin đồn, cũng như tạo doanh thu thuế từ các ứng dụng truyền thông xã hội nước ngoài.

Trong thực tế, các công ty nước ngoài phát triển các ứng dụng trên sẽ chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng cuối cùng thông qua các nhà cung cấp viễn thông.

Đối với người sử dụng truyền thông xã hội hàng ngày, chi phí mua gói dữ liệu trả trước đã tăng 23-62%, khiến số thuê bao dữ liệu di động giảm 20% tại Uganda.

Đối với những người dân Uganda có thu nhập thấp hơn mức thu nhập trung bình 606 USD/năm, số thuê bao này sẽ phải chi tiêu khoảng 40% thu nhập hàng tháng của họ cho dữ liệu di động.

Chính phủ Benin đã áp dụng chính sách yếu kém tương tự như Chính phủ Uganda, nhưng đã buộc phải bãi bỏ loại thuế phi lý này sau 3 ngày thực hiện do gặp phải sự phản đối rộng rãi của người dân.

Dường như Uganda ít quan tâm đến dư luận bởi ngoài thuế áp dụng đối với truyền thông xã hội, chính phủ nước này cũng đánh thuế 1% đối với các giao dịch tài chính trên nền tảng điện thoại di động.

Chính phủ một số nước châu Phi đã ban hành nhiều quy định mới về kỹ thuật số có nội dung tương tự như các biện pháp trước đây đã áp dụng để hạn chế tự do ngôn luận và nhóm họp chính trị.

Tháng 3/2018, Tanzania đã thực thi chính sách hà khắc quy định người dùng sở hữu blog hoặc trang web phải trả 930 USD cho một giấy phép. Mức thu này cao hơn so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người hàng năm của Tanzania.

Tanzania cũng đang xem xét thông qua dự luật nhằm tội phạm hóa hành vi cung cấp dữ liệu khi chưa được phép của trưởng cơ quan thống kê nước này.

Các biện pháp trên sẽ hạn chế rất lớn những dịch vụ do các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ cung cấp tới khách hàng.

Nếu chính sách mà Tanzania đang áp dụng trở thành chuẩn mực mới thì mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu di động - mô hình phổ biến đối với các công ty khởi nghiệp công nghệ châu Phi - sẽ không “có đất” để phát triển.

Trong bối cảnh 1/5 dân số trong độ tuổi lao động châu Phi đã và đang thành lập các doanh nghiệp mới, Internet và phương tiện truyền thông xã hội luôn là điều kiện tối quan trọng đối với tiếp thị và dịch vụ khách hàng.

Tuy nhiên, chính phủ nhiều nước châu Phi cho rằng doanh thu thuế cần được ưu tiên và hoạt động trực tuyến là phù phiếm, không hiệu quả và thậm chí là không yêu nước.

Tổng thống Uganda Yoweri Museveni đã đánh đồng thuế truyền thông xã hội với thuế đánh vào các tệ nạn xã hội khác.

Tuy nhiên, thời điểm ông Museveni lên nắm quyền cách đây 33 năm, công nghệ mới tiên tiến nhất tại nước này chỉ là xe bọc thép và máy móc thu hoạch cà phê.

Thực tế, nguyên thủ quốc gia của nhiều nước châu Phi vốn tại vị hàng mấy thập kỷ đã không khó khăn gì để ngăn chặn hoặc phớt lờ ý kiến của các nhà lãnh đạo trẻ mới nổi như Nghị sỹ Bobi Wine - người ủng hộ những người trẻ tuổi, phản đối lợi ích kinh tế cực đoan của những người đương chức cũng như việc hoạch định chính sách không hiệu quả.

Tình trạng quy định quá khắt khe về lĩnh vực kỹ thuật số sẽ để lại nhiều hậu quả xấu lâu dài. Những quy định đó cũng gây thiệt hại đối với người tiêu dùng và làm nản lòng các nhà đầu tư quốc tế.

Bất chấp những nguy cơ tiềm ẩn, các nhà lãnh đạo châu Phi tại vị kéo dài vài thập kỷ đang phớt lờ nhu cầu của thanh niên.

Đến năm 2055, hơn 450 triệu người châu Phi - khoảng 1/5 tổng dân số dự kiến của lục địa - sẽ ở độ tuổi từ 15-24. Với các chính sách gây cản trở xu hướng đổi mới sáng tạo về kỹ thuật số, chính phủ nhiều nước châu Phi đang kìm hãm sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ được cho là sẽ tạo ra việc làm của tương lai.

Trước khi những chính sách khắt khe về kỹ thuật số đã ban hành gây ra quá nhiều thiệt hại, chính phủ các nước châu Phi cần bãi bỏ các quy định đó.

Mặt khác, các doanh nhân trẻ như Chijioke và Ngozi Dozie - các nhà đồng người sáng lập OneFi - sẽ không bao giờ có thể hiện thực hóa tiềm năng để tận dụng tối đa cơ hội nhằm tạo ra hàng trăm triệu việc làm cho giới trẻ châu Phi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục