"Lễ thượng cờ đầu tiên của Palestine tại Liên hợp quốc là khoảnh khắc hy vọng của chúng tôi. Trong thời khắc lịch sử này, tôi muốn nói với tất cả mọi người dân Palestine trên khắp thế giới rằng, hãy treo quốc kỳ Palestine thật cao bởi nó là biểu tượng cho bản sắc của chúng ta."
Đó là những cảm xúc dâng trào của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khi lá cờ của Palestine lần đầu tiên tung bay cùng với quốc kỳ của 193 thành viên Liên hợp quốc tại trụ sở New York (Mỹ) ngày 30/9.
Lời phát biểu của Tổng thống Abbas đã nói lên tất cả niềm tự hào, nỗi khát khao cháy bỏng và cả những buồn đau dồn nén của người dân Palestine trong hành trình gian nan ròng rã gần 70 năm để được công nhận vị thế nhà nước độc lập.
Người Palestine gọi đó là khoảnh khắc lịch sử của một dân tộc luôn mang trong lòng nỗi đau không có tổ quốc, một dân tộc với những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, những người dân bị xua đuổi, bị tước những quyền cơ bản nhất.
Lễ thượng cờ ngày 30/9 tại Liên hợp quốc đã đem lại cho người dân Palestine tia hy vọng để họ tiếp tục bền bỉ, nhẫn nại vượt qua những ngày tháng đen tối nhất, đau thương nhất trong hành trình đấu tranh không ngừng nghỉ hướng đến hòa bình và công lý.
Trên chặng đường tìm kiếm hòa bình đó, cũng nhiều lần người dân Palestine đã tìm thấy những tia hy vọng quý giá, đó là Hiệp định hòa bình Oslo ngày 13/9/1993 với giải pháp “hai nhà nước" từng được xem như một bước đột phá tích cực cho cuộc xung đột Israel-Palestine.
Đó là khi liên tiếp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) như Anh và Thụy Điển công nhận Nhà nước Palestine độc lập, nâng tổng số quốc gia công nhận Nhà nước Palestine lên trên 135.
Đó cũng là khi Đại hội đồng Liên hợp quốc, với sự ủng hộ của 119 nhà nước thành viên, thông qua nghị quyết cho phép thượng cờ Palestine tại trụ sở chính và các cơ quan Liên hợp quốc.
Bản nghị quyết đã được người Palestine ví như “ánh sáng nhỏ từ ngọn nến thắp sáng hy vọng.” Những mảnh ghép hy vọng như thế đang tạo thêm sức mạnh cho người Palestine.
Trên thực tế, hòa bình Trung Đông vẫn là một thứ gì đó xa vời. Xung đột chất chồng và bạo lực triền miên nhiều thập kỷ qua đã biến nơi đây thành “thùng thuốc súng” lúc nào cũng có nguy cơ phát nổ.
Chỉ một cuộc chiến kéo dài 7 tuần ở Dải Gaza năm ngoái cũng khiến gần 2.200 người Palestine thiệt mạng, phần lớn là dân thường. Nhiều thỏa thuận hướng tới hòa bình vừa được ký rồi lại bị “xé bỏ” khi chưa kịp ráo mực.
Trong khi đó, vùng đất Trung Đông giàu dầu mỏ với vị trí địa chính trị đặc biệt khiến cho các nước lớn đều coi mảnh đất này là một quân cờ quan trọng trên bàn cờ chiến lược của mình.
Dù vậy, người Palestine chưa bao giờ từ bỏ hy vọng bởi bất kỳ ai cũng có quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng. Chẳng phải cộng đồng quốc tế đã chứng kiến một thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân Iran đạt được sau hơn 11 năm đàm phán cam go, một minh chứng cho thấy những vấn đề gai góc nhất cũng có thể được giải quyết thông qua con đường ngoại giao nếu các bên cùng có thiện chí.
Giờ là lúc phải khôi phục lòng tin của cả người dân Palestine và người dân Israel vào một giải pháp hòa bình để hiện thực hóa giấc mơ hai nhà nước cho hai dân tộc, mang lại hòa bình vĩnh viễn cho "chảo lửa" Trung Đông./.