Ngày 6/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức họp mặt doanh nghiệp đầu năm để báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp năm 2014 và định hướng phát triển năm 2015.
Theo ông Lê Khắc Ghi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thời gian tới, Kiên Giang sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; hỗ trợ thị trường; giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ để giúp cộng đồng doanh nghiệp trụ vững, vượt qua khó khăn và phát triển.
Bên cạnh đó, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đảm bảo đạt tốc độ tăng trưởng; tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp; kiến nghị bãi bỏ quy hoạch, dự án không có khả năng thực hiện. Đồng thời, thắt chặt công tác quản lý tiến độ đầu tư các dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Đối với các dự án không triển khai hoặc triển khai quá chậm so với tiến độ cấp phép sẽ thu hồi và xem xét chọn giao nhà đầu tư khác…
Năm 2014, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có chiều hướng phát triển tốt hơn; số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 72 doanh nghiệp, nâng tổng số toàn tỉnh đến nay lên 10.087 doanh nghiệp; số vốn tăng lên đáng kể, nếu như năm trước trên 4.200.000 tỷ đồng thì năm 2014 là trên 6.600.000 tỷ đồng.
Một số lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, doanh nghiệp đăng ký mới đều tăng, như dịch vụ, tăng 36%; vận tải tăng 144%, nông nghiệp tăng 57% và thủy sản, tăng 121%.
Tuy vậy, theo đánh giá của ông Lê Khắc Ghi, tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh trên thị trường thế giới ngày càng gay gắt; các rào cản phi thuế quan đối với tôm, mực ở một số thị trường chủ lực; giá gạo xuất khẩu biến động khó lường ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.
Mặc dù Kiên Giang đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, nhưng kim ngạch xuất khẩu cả năm vẫn đạt thấp, chỉ đạt 496 triệu USD (đạt 74,13% kế hoạch). Riêng đối với tiêu thụ trong tỉnh ổn định hơn, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 55.400 tỷ đồng, tăng 13,48% so năm trước…
Dù còn khó khăn, nhưng trong năm qua, Kiên Giang đã tập trung nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như chính sách giảm, miễn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất, gia hạn nộp tiền sử dụng đất…
Bên cạnh đó, ngành công thương tỉnh đã xét hỗ trợ lãi suất tiền vay đầu tư cho hai dự án trên lĩnh vực chế biến thủy sản; hỗ trợ 40 tỷ đồng lãi suất bằng 0% cho 3 doanh nghiệp đưa hàng Việt về nông thôn; Quỹ Đầu tư phát triển hỗ trợ hai doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay số tiền 6 tỷ đồng…/.