Kinh tế Iran gặp nhiều khó khăn trước việc Mỹ tái áp đặt trừng phạt

Một số biện pháp trừng phạt đối với Iran có hiệu lực sau giai đoạn “chuyển tiếp” 90 ngày, trong khi các biện pháp trừng phạt còn lại - nhất là đối với lĩnh vực dầu mỏ - sẽ có hiệu lực sau 180 ngày.
Kinh tế Iran gặp nhiều khó khăn trước việc Mỹ tái áp đặt trừng phạt ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: globalbusinessoutlook.com)

Trong bài phát biểu chiều 8/5 (rạng sáng 9/5 theo giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết trước đó giữa Iran và sáu cường quốc, và yêu cầu tái áp đặt các biện pháp trừng phạt mà đã ngừng thực hiện đối với Iran theo thỏa thuận ký kết năm 2015.

Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ bắt đầu triển khai "mức cao nhất" các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran.

Một số biện pháp trừng phạt đối với Iran có hiệu lực sau giai đoạn “chuyển tiếp” 90 ngày (kết thúc vào ngày 6/8/2018). Trong khi các biện pháp trừng phạt còn lại - nhất là đối với lĩnh vực dầu mỏ - sẽ có hiệu lực sau 180 ngày (kết thúc vào ngày 4/11/2018).

Theo Bộ Tài chính Mỹ, các mốc thời hạn trên là để các doanh nghiệp và các tổ chức khác có thời hạn chấm dứt các hoạt động kinh doanh tại Iran hay có liên quan tới Iran.

Mỹ sẽ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với việc Chính phủ Iran mua hay mua lại đồng USD, hoạt động mua bán vàng và các kim loại quý khác của Iran, hoạt động bán hàng trực tiếp và gián tiếp, cung cấp và vận chuyển đá graphite, kim loại thô hay bán thành phẩm, than và phần mềm liên quan tới công nghiệp ở Iran.

Khi giai đoạn 90 ngày kết thúc, các biện pháp trừng phạt sẽ được tái áp đặt đối với hoạt động nhập khẩu thảm và thực phẩm sản xuất tại Iran vào thị trường Mỹ, và đối với một số giao dịch tài chính có liên quan.

Một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 8/5 cho biết Bộ Tài chính Mỹ sẽ thu hồi giấy phép xuất khẩu của các công ty hàng không dân dụng cho Iran sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran.

[Bộ Tài chính Mỹ chấm dứt giấy phép xuất khẩu máy bay cho Iran]

Quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: "Trong vòng 90 ngày đầu, Bộ Tài chính sẽ làm việc để thu hồi các giấy phép đặc biệt được cấp theo tuyên bố về chính sách cấp phép hàng không dân dụng. Bộ Tài chính sẽ liên lạc với các công ty tư nhân và làm việc nhằm thu hồi các giấy phép một cách trật tự."

Phản ứng sau quyết định của Mỹ, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini nói EU xác định bảo toàn thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký kết giữa Iran và sáu cường quốc (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức).

Bà Mogherini nhấn mạnh thỏa thuận năm 2015 đã đạt được mục đích là đảm bảo Iran không phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời kêu gọi nhân dân Iran và các lãnh đạo nước này tôn trọng thỏa thuận sau quyết định của Tổng thống Mỹ. Đại diện cấp cao EU cũng bày tỏ đặc biệt lo ngại trước thông báo của Tổng thống Mỹ về những lệnh trừng phạt mới đối với Iran và khẳng định EU sẽ hành động để bảo vệ những lợi ích kinh tế của mình.

Bà Mogherini đánh giá miễn là Iran tiếp tục thực hiện các cam kết liên quan đến chương trình hạt nhân như họ đã và đang làm, EU sẽ tiếp tục thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả các nội dung của thỏa thuận hạt nhân với nước này. Bà cũng nhấn mạnh EU hoàn toàn tin tưởng vào công việc, thẩm quyền và sự độc lập của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), khi cơ quan này đã công bố 10 báo cáo xác nhận rằng Iran đã hoàn toàn tuân thủ các cam kết.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã hối thúc các nước ký thỏa thuận hạt nhân Iran tuân thủ những cam kết của mình, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Bày tỏ quan ngại sâu sắc trước quyết định trên của Mỹ, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng những quan ngại liên quan đến việc thực thi thỏa thuận hạt nhân cần phải được giải quyết thông qua những cơ chế được thiết lập trong JCPOA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục