Sau khi những con tàu vỏ gỗ làm nên những thành công trong vận tải quân sự thì yêu cầu cần thiết về những phương tiện có sức chở cao hơn, đi lại được trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Biển Đông và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vũ khí của chiến trường miền Nam được đặt ra. Quân ủy Trung ương đã chủ trương cần những tàu vỏ sắt để trang bị cho Đoàn 759.
Phóng viên Vietnam+ đã tiếp tục trao đổi cùng Thượng tá-Thạc sĩ Ngô Nhật Dương, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam về những kỳ tích của đoàn "Tàu không số" những năm kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược.
Phóng viên Vietnam+ đã tiếp tục trao đổi cùng Thượng tá-Thạc sĩ Ngô Nhật Dương, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam về những kỳ tích của đoàn "Tàu không số" những năm kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược.
- Tàu vỏ sắt là bước phát triển mạnh, có giá trị "chuyển mình" của đoàn “Tàu không số,” Thượng tá có thể cho biết việc bắt đầu trang bị tàu sắt như thế nào, thưa ông?
Thượng tá Ngô Nhật Dương: Bộ Quốc phòng để nghị Xưởng đóng tàu 3 (tiền thân của Nhà máy đóng tàu Tam bạc Hải Phòng) nhiệm vụ nghiên cứu, đóng những con tàu vỏ sắt có trọng tải 50 tấn, 100 tấn với tính năng vượt biển tốt. Xưởng đóng tàu 3 đã khắc phục mọi khó khăn về cơ sở vật chất, nhanh chóng thiết kế và hoàn thành việc đóng mới 6 con tàu vỏ sắt đầu tiên.
Với những chiếc tàu mới, trang bị cải tiến phù hợp với hoạt động trên biển, Đoàn 759 tranh thủ thời gian liên tục tổ chức nhiều chuyến vận chuyển chi viện chiến trường. Tiếp sau đó, các tàu vỏ sắt khác lần lượt được hạ thủy, lên đường tới đích thắng lợi.
- Đề nghị Thượng tá kể về hành trình, và những “bến tàu không số” năm đó?
Thượng tá Ngô Nhật Dương: Trong những năm 1963-1965 các tàu không số chở vũ khí liên tục rời bến Đồ Sơn, các quân cảng Bính Động, Bãi Cháy và một số bến khác. Vượt qua hàng ngàn hải lý, sóng gió, mưa bão và hàng rào phong toả gắt gao của máy bay, tàu chiến địch để đưa hàng vào chiến trường Nam Bộ.
Tính đến tháng 2/1965, Đoàn 125 (đổi phiên hiệu từ Đoàn 759) thuộc Bộ Tư lệnh Hải Quân đã sử dụng 3 tàu vỏ gỗ, 17 tàu vỏ sắt, tổ chức 83 chuyến đi, chuyển được gần 5.000 tấn vũ khí vào Nam Bộ. Trong đó tới Cà Mau 45 chuyến; Bến Tre 23 chuyến, Trà Vinh 12 chuyến, Bà Rịa 3 chuyến.
- Khó khăn của thời kỳ đó không chỉ do thiếu về điều kiện mà cho dù có tàu lớn, tối tân cũng không thực hiện được nhiệm vụ trong hoàn cảnh bấy giờ nên cái khó đã tạo ra những kỳ tích, độc đáo?
Thượng tá Ngô Nhật Dương: Đúng vậy. Với phương thức hoạt động bí mật bất ngờ, sử dụng tàu nhỏ, ngụy trang như tàu đánh cá của ngư dân địa phương, tuyến vận tải Đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo ra một hướng tiếp tế chiến lược hết sức quan trọng, đưa vũ khí trang bị vào chiến trường xa mà tuyến vận tải chiến lược đường bộ chưa tới được với một số lượng vũ khí còn lớn hơn cả số đưa vào bằng đường bộ trong cùng một thời gian.
Số vũ khí được vận tải có ý nghĩa và tác dụng to lớn đã trực tiếp góp phần đẩy mạnh chiến tranh nhân dân xây dựng và phát triển các đơn vị chủ lực Miền, góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt của quân dân ta ở ấp Bắc, Bình Giã, Đồng Xoài…. và góp phần làm thất bại căn bản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
- Thượng tá có thể kể một số chuyện từ thực tế vượt gian nguy của đoàn“Tàu không số” năm ấy?
Thượng tá Ngô Nhật Dương: Để đưa được một khẩu súng, một viên đạn đến chiến trường, các đội tàu đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ. Trang bị của ta còn rất thiếu thốn. Mỗi con tàu chỉ có một máy nổ, không có máy dự bị. Không có máy siêu âm đo độ sâu, khi vào đến gần bờ anh em thuỷ thủ đoàn lấy sào tre làm thước đo dẫn tàu vào bến.
Vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, các đội tàu 41, 42, 54, 55, 56 liên tục vận chuyển được nhiều chuyến hàng thành công. Các đồng chí cán bộ chỉ huy Nguyễn Phan Vinh, Hồ Đắc Thạnh, Nguyễn Văn Cứng, Lê Văn Thêm... là những tấm gương mẫu mực, tận tuỵ và dũng cảm, điều khiển tàu vượt qua đá ngầm, sóng gió và sự ngăn chặn phong toả của kẻ thù đưa hàng đến bến.
Có thể khẳng định, tuyến vận tải chiến lược trên biển là tuyến chính bảo đảm vũ khí cho chiến trường Nam Bộ trong những năm 1962-1965. Kết quả vận chuyển vũ khí bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển trong giai đoạn “chiến tranh đặc biệt” và các giai đoạn tiếp sau trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân dân ta chẳng những có ý nghĩa về mặt chiến thuật, chiến dịch mà còn có ý nghĩa chiến lược to lớn. Điều đó càng chứng tỏ quyết định mở Đường Hồ Chí Minh trên biển là một sáng tạo chiến lược của Đảng, Nhà nước ta.
- Thượng tá có thể nêu về một sự cố mang tính lịch sử cùng với việc chủ động ứng phó tài tình để vượt qua của quân ta lúc đó?
Thượng tá Ngô Nhật Dương: Mặc dù địch chưa phát hiện ra con đường chi viện này nhưng cán bộ chiến sĩ luôn cảnh giác, sẵn sàng hy sinh để giữ bí mật cho tuyến chi viện chiến lược. Ngày 3 /10 /1963 tàu 41 chở 20 tấn vũ khí đạn do đồng chí Nguyễn Văn Một và Đặng Văn Thanh chỉ huy, cập bến Lộc An không may tàu cập bến đúng vào lúc nước triều đang xuống nên bị mắc cạn. Con tàu nằm phơi nắng cách bờ khoảng 1.500 m.
Việc đưa hàng vào bờ và bảo vệ con tàu vô cùng cấp bách. Lực lượng trên bến khẩn trương bốc dỡ 1.500 khẩu súng trường Mỹ, 24 trung liên và đại liên, 2 khẩu ĐKZ 75mm, 10 khẩu cối 60mm, hơn 2 triệu viên đạn các loại, 20.000 quả mìn và lựu đạn, 5 tấn thuốc nổ TNT rồi nguỵ trang tàu.
Do công tác phòng tránh tốt nên đến chiều 4/10, địch vẫn không phát hiện được. Đến đêm nước triều lên, tàu được đưa vào rừng Bến Lược bên trong cửa sông Ray. Mười ba ngày sau, tàu rời bến Lộc An sang Bến Tre sửa phần máy hư hỏng và trở lại miền Bắc an toàn.
- Đã có những tấm gương anh dũng hy sinh, thượng tá hãy kể lại một câu chuyện như “bài ca không quên” trong bản anh hùng ca của lịch sử chống Giặc Mỹ xâm lược?
Thượng tá Ngô Nhật Dương: Phát hiện thấy tàu ta vận chuyển lại, địch huy động nhiều máy bay, tàu chiến ngăn chặn ráo riết. Chuyện hy sinh quên mình vì Tổ Quốc có rất nhiều. Tôi chỉ xin kể chuyện về tàu 645 vận chuyển hàng cho quân khu 9, rạng sáng ngày 24 tháng 4 năm 1972 khi chuyển hướng vào đất liền bị tàu khu trục địch khống chế buộc tàu ta vào vùng biển do chúng kiểm soát.
Tàu địch chạy cắt mũi tàu ta, dùng loa kêu gọi đầu hàng. Chúng dùng đèn đánh tín hiệu bắt tàu 645 "dừng máy, thả trôi, nếu không sẽ bắn". Tàu 645 vẫn đi. Địch tập trung hỏa lực quyết tiêu diệt tàu 645.
Không thấy tàu ta bắn trả, tàu địch ngừng bắn và tiến đi song song cách mạn trái tàu ta chừng 5 mét. Tàu 645 mang đầy thương tích bất ngờ mở hết tốc lực lao thẳng vào sườn tàu địch.
Lúc này cán bộ, chiến sĩ đã được lệnh rời tàu, chỉ còn lại thiếu uý chính trị viên tàu Nguyễn Văn Hiệu người đã cùng đồng đội 14 lần đưa hàng vào chiến trường. Anh ngồi trên đài chỉ huy điều khiển con tàu và bình tĩnh điểm hoả cho các khối bộc phá nổ tung biến con tàu thành vũ khí tiêu diệt tàu chiến giặc. Nguyễn Văn Hiệu anh dũng hy sinh.
- Từ đoàn “Tàu không số” và những kỳ tích lịch sử đã để lại bài học gì cho hôm nay, thưa Thượng tá?
Thượng tá Ngô Nhật Dương: Trong giai đoạn hiện nay, quân và dân cả nước ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam được với khoảng 1 triệu km2, có khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng-an ninh.
Hiện nay tình hình trên biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp, đã và đang xuất hiện nhiều động thái uy hiếp trực tiếp đến chủ quyền biển đảo của Tổ quốc ta. Để bảo đảm tốt vũ khí trang bị cho các lực lượng tác chiến bảo vệ biển, đảo, cần tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và phát triển những kinh nghiệm quý về vận chuyển vũ khí bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển trong chiến tranh giải phóng.
- Trân trọng cảm ơn Thượng tá!
Nguyễn Anh (Vietnam+)