Với chủ đề “Kết nối xã hội, sáng tạo tương lai,” Triển lãm điện tử và công nghệ thông tin lớn nhất châu Á (CEATEC), diễn ra tại trung tâm triển lãm Makuhari Messe ở thành phố Chiba (Nhật Bản) “trình làng” các thiết bị và dịch vụ hiện đại cho thấy một tương lai kết nối Internet của thế giới.
Tổng cộng có 667 doanh nghiệp và tổ chức đến từ Nhật Bản, 22 quốc gia và vùng lãnh thổ tham triển lãm lần này, tăng so với con số 648 doanh nghiệp trong triển lãm năm 2016. Ước tính, khoảng 160.000 lượt người đến tham quan triển lãm lần này.
Đa dạng công nghệ mới
Nổi bật trong số các doanh nghiệp “nhẵn mặt” tại triển lãm CEATEC, hãng chế tạo sản phẩm điện tử Sharp Corp. (Nhật Bản) giới thiệu tivi màn hình tinh thể lỏng (LCD) 70 inch có độ phân giải màn hình 8K, dự kiến bán ra thị trường Trung Quốc ngay trong tháng 10 này và có mặt trên thị trường Nhật Bản vào tháng 12/2017, với giá bán khoảng 1 triệu yen (8.880 USD). Sản phẩm này là “lời đáp trả” của Sharp đối với công nghệ điốt phát quang hữu cơ (OLED) mà các dòng tivi hiện nay của những doanh nghiệp đối thủ sử dụng.
[Nhiều robot mới ra mắt tại Triển lãm công nghệ CEATEC 2017]
Ngoài ra, Sharp cũng giới thiệu một phiên bản giá rẻ hơn của người máy thông minh RoBoHon, có giá 138.000 yen, có thế kết nối Internet thông mạng không dây wifi.
Trong khi đó, một “đại gia” điện tử-công nghệ thông tin khác là Panasonic cũng giới thiệu công nghệ mới có thể hỗ trợ chăm sóc người lớn tuổi hay dạy học cho trẻ nhỏ. Panasonic cũng đang phát triển một dòng máy điều hòa không khí với thiết bị cảm ứng đính kèm để theo dõi xem các thành viên lớn tuổi trong gia đình có ngủ ngon hay không và thông báo cho các nhân viên y tế nếu có vấn đề bất trắc xảy ra. Panasonic hy vọng hệ thống này sẽ giúp đỡ các hộ gia đình ở Nhật Bản trong bối cảnh nước này đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh.
Đáng chú ý, tập đoàn ngân hàng lớn thứ hai Nhật Bản về doanh thu là Sumitomo Mitsui Financial Group Inc. tham gia triển lãm CEATEC lần đầu tiên, đã giới thiệu các thành tựu mới về công nghệ trong lĩnh vực tài chính (còn gọi là fintech) như hệ thống cho phép người sử dụng chấp nhận mua sắm bằng thẻ tín dụng chỉ bằng cách nhìn vào camera.
Tương lai kết nối Internet
Chủ tịch Panasonic Shusaku Nagae nhận định từ năm 2016, CEATEC đã phát triển từ một cuộc triển lãm điện tử và công nghệ thông tin thành một triển lãm về hệ thống thực ảo và Internet kết nối vạn vật (IoT).
Theo giới chuyên gia, triển lãm lần này đã giới thiệu những thành tựu mới nhất của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (4.0) như các cảm biến có tính năng hỗ trợ lái xe khi ngủ gật hay máy đo lượng calo trong đồ ăn. Triển lãm lần này cho thấy tầm nhìn trong tương lai trong một thế giới kết nối với các người máy thông tin. Những loại ôtô có thể nhận biết khi lái xe ngủ hay bị phân tâm khi sử dụng những thiết bị di động như điện thoại nhờ bộ cảm biến giám sát của Omron, giúp điều khiển xe tự động trong các tình huống trên.
Bên cạnh đó, Omron giới thiệu người máy chơi bóng bàn Forpheus tích hợp công nghệ theo dõi chuyển động nhằm đáp trả cú đánh bóng của người đối diện một cách chính xác, giao bóng sử dụng một cách tay nối thêm và phản ứng nhanh hơn với những cú giao bóng mạnh. Ngoài ra, người máy Cocotto của Panasonics với hình dạng một quả bóng màu trắng, có nhiệm vụ hỗ trợ phát triển các kỹ năng xã hội ở trẻ sơ sinh bằng cách lăn tròn xung quanh và nói chuyện.
Không hề kém cạnh, Toshiba cũng giới thiệu người máy giao tiếp bằng ngôn ngữ dấu hiệu có tên là Aiko Chihira. Người máy này tích hợp 43 bộ chuyển động, trong đó có 15 ở phần đầu nhằm thực hiện sắc thái biểu cảm của khuôn mặt. Hiện Aiko Chihira mới chỉ có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ dấu hiệu tiếng Nhật Bản và sẽ được lập trình ngôn ngữ dấu hiệu khác. Theo ông Hitoshi Tokuda, phụ trách bộ phận phát triển kinh doanh của Toshiba, ngày càng có ít người có khả năng giao tiếp trực tiếp tốt với người khác và sản phẩm này là một giải pháp giúp con người cải thiện kỹ năng giao tiếp.
Trong khi đó, Panasonic cũng “ra mắt” một sản phẩm liên quan tới việc giám sát và bảo vệ sức khỏe của con người. Theo kỹ sư Ryota Sato của Panasonic, bằng cách đặt đĩa thức ăn vào chiếc máy CaloRieco, con người có thể đo được tổng lượng calo và ba thành phần chính như protein, mỡ và carbonhydrate.
Còn trong lĩnh vực nghệ thuật, thiết bị Bowing Vision là sản phẩm đáng chú ý khi khởi chạy ứng dụng thực hành trên máy tính bảng iPad, kết nối không dây. Thiết bị này được gắn các cảm biến có khả năng điều khiển sự chuyển động của cổ tay, khuỷu tay giúp người chơi các bản nhạc đúng và hay.
Triển lãm cũng giới thiệu các sản phẩm công nghệ mới như “cua” Mekamon có thể chuyển động linh hoạt (leo, nhảy và bay một cách dễ dàng) của công ty Bandai Namco mà người sử dụng có thể điều khiển bằng điện thoại thông minh. Ngoài ra, trong số các sản phẩm đáng chú ý khác có người máy giao tiếp Gundam Concierge Haro, máy bay không người lái Ebumper có radar, ăngten và bộ vi xử lý 24 GHz./.