Libya: Đạt thỏa thuận phân bổ vị trí quản lý ngân hàng trung ương

Vị trí thống đốc Ngân hàng Trung ương Libya được phân bổ cho khu vực Barqah, trong khi vị trí phó thống đốc sẽ được trao cho khu vực Tripoli.
Libya: Đạt thỏa thuận phân bổ vị trí quản lý ngân hàng trung ương ảnh 1Các lực lượng GNA tuần tra tại Abu Qurain, giữa thành phố Tripoli và Benghazi của Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 5/10, phái đoàn đại diện các bên đối địch tại Libya đã đạt được thỏa thuận phân bổ vị trí thống đốc và phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Libya trong cuộc đàm phán diễn ra ở thành phố Bouznika của Maroc.

Kênh truyền hình Al-Hadath đưa tin tại cuộc đàm phán, phái đoàn Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) và chính quyền ở miền Đông Libya đã nhất trí phân bổ vị trí thống đốc Ngân hàng Trung ương Libya cho khu vực Barqah, trong khi vị trí phó thống đốc sẽ được trao cho khu vực Tripoli.

Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận thêm các điều khoản và quy định quản lý đối với hai chức vụ này.

Một nguồn tin khác cho biết hai phe phái đối địch tại Libya cũng đang thảo luận vấn đề phân bổ các vị trí quản lý cho 3 khu vực lịch sử tại Libya, bao gồm Cyrenaica, Fezzan và Tripolitania.

Việc GNA và chính quyền ở miền Đông Libya đạt đồng thuận về phân bổ vị trí quản lý ngân hàng trung ương được coi là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình đàm phán đang diễn ra giữa hai bên.

Kể từ tháng 9 vừa qua, hai bên đã tham gia các cuộc đàm phán được coi là "Đối thoại Libya" ở thành phố Bouznika nhằm đạt được một giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi này.

Cùng ngày 5/10, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã kêu gọi cộng đồng quốc tế triển khai những hành động cụ thể nhằm thúc đẩy các bên đối địch ở Libya thực thi một lệnh ngừng bắn và hướng tới một giải pháp chính trị.

[LHQ: Tiến trình đàm phán tại Libya đang tiến triển tích cực]

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến về tình hình Libya do Liên hợp quốc và Đức đồng chủ trì, Ngoại trưởng Ai Cập Shoukry hối thúc cộng đồng quốc tế thực thi những cam kết đạt được tại Hội nghị Berlin nhằm thúc đẩy các phe phái đối địch ở Libya tôn trọng các thỏa thuận liên quan như lệnh ngừng bắn, lệnh cấm vận vũ khí, giải giáp lực lượng dân quân và đối phó với các tổ chức khủng bố.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập cho biết nước này đang nỗ lực phối hợp với Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế nhằm khôi phục an ninh và ổn định tại Libya.

Trong khi đó, Đức bày tỏ sự lạc quan thận trọng về hướng giải quyết cuộc xung đột ở Libya.

Trong tuyên bố đưa ra sau khi đồng chủ trì hội nghị trực tuyến về Libya cùng với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhận định bây giờ là cơ hội tốt nhất để tìm kiếm giải pháp hòa bình chấm dứt cuộc xung đột kéo dài tại Libya, do đó các bên liên quan cần phải nắm bắt cơ hội này.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức cũng cho rằng cuộc xung đột tại Libya chỉ có thể được giải quyết sau khi diễn ra các cuộc đàm phán quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình lâu dài cho quốc gia Bắc Phi này.

Cũng tại phiên họp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi dỡ bỏ vĩnh viễn lệnh phong tỏa sản xuất và xuất khẩu dầu lửa ở Libya, đồng thời thực hiện lệnh ngừng bắn tại đây ngay lập tức.

Từ năm 2014, tại Libya tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. GNA kiểm soát thủ đô Tripoli, được Liên hợp quốc công nhận và được sự ủng hộ của Qatar và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, chính quyền ở miền Đông Libya được lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Hafta hậu thuẫn và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga và Ai Cập ủng hộ.

Sau các cuộc đàm phán gần đây tại Maroc giữa các bên đối địch ở Libya, ngày 16/9 vừa qua, Thủ tướng GNA al-Sarraj đã công bố ý định từ chức để thúc đẩy việc thành lập chính phủ mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục