Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, truyền thông khu vực ngày 11/10 cho biết, Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Yemen, ông Ismail Ould Cheikh Ahmed đã lên tiếng cảnh báo tình trạng leo thang bạo lực tại Yemen, đồng thời kêu gọi tất cả các bên đối địch tại nước này không cản trở các nỗ lực tiến tới một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt xung đột kéo dài 19 tháng qua.
Phát biểu sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault ở thủ đô Paris, ông Ahmed kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo chính trị và những bên ủng hộ cần tránh gây tổn hại hòa bình và an ninh ở Yemen.
Đặc phái viên Liên hợp quốc đưa ra kêu gọi trên trong bối cảnh liên minh quân sự Arab do Saudi Arabia đứng đầu bị cáo buộc tiến hành không kích vào một đám tang ở thủ đô Sanaa của Yemen ngày 8/10, khiến hơn 140 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Hai ngày sau đó, phiến quân Houthi đã bắn một tên lửa đạn đạo vào sâu trong lãnh thổ Saudi Arabia và đe dọa một tàu chiến của Mỹ. Liên minh Arab đã phủ nhận tiến hành vụ không kích trên và tuyên bố phối hợp với các chuyên gia Mỹ điều tra vụ việc ngay lập tức.
Theo ông Ahmed, các cuộc tấn công nói trên xảy ra vào thời điểm tiến trình hòa bình đã đạt được một số tiến triển quan trọng. Ông hối thúc liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu nhanh chóng công bố kết quả điều tra vụ không kích hôm 8/10 và đưa thủ phạm ra trước công lý càng sớm càng tốt.
Yemen rơi vào hỗn loạn sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Ali Abdullah Saleh năm 2012. Tình hình an ninh càng trở nên bất ổn sau khi phiến quân Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Saleh chiếm giữ thủ đô Sanaa hồi tháng 9/2014, sau đó tiến xuống miền Nam và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Yemen, buộc Tổng thống đương nhiệm Mansour Hadi phải lưu vong tại nước láng giềng Saudi Arabia. Liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành các cuộc không kích chống Houthi từ tháng 3/2015 và mở các chiến dịch trên bộ từ tháng 7/2015.
Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người và khiến khoảng 2,8 triệu người phải rời bỏ nhà cửa kể từ tháng 3/2015.
Hơn 80% dân số của nước này hiện đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp./.