Liên minh châu Âu sẽ áp dụng chính sách thị thực linh hoạt hơn

Nếu các quy định thị thực linh hoạt và dễ tiếp cận hơn, số lượng du khách từ sáu nước có nhiều du khách nhất đến khu vực Schengen có thể tăng 30% đến 60%.
EU nhiều thị thực nhất cho công dân Nga. (Nguồn: RIA Novosti)

Nga đứng đầu trong số 10 nước được Liên minh châu Âu (EU) cấp nhiều thị thực nhất trong những năm vừa qua. Đây là thông tin được công bố tại hội thảo về chính sách thị thực do Trung tâm báo chí châu Âu thuộc Ủy ban châu Âu (EC) tổ chức ngày 16-17/6 tại Brussels (Bỉ).

Riêng trong năm 2012, EU cấp hơn 6 triệu thị thực cho công dân Nga, so với 5,2 triệu năm trước đó và 4,2 triệu năm 2010. Tiếp theo là Ukraine với 1,3 triệu thị thực được cấp năm 2012.

Trung Quốc là nước đứng thứ ba. Bên cạnh đó, một số quốc gia có tỷ lệ bị từ chối cấp thị thực cao là Algeria, Maroc, Iran và Tunisia. Lý do mà EU đưa ra là các quốc gia này có nhiều phần tử đạo Hồi quá khích, nếu nhập cảnh vào EU sẽ đe dọa an ninh của các nước thành viên.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhấn mạnh châu Âu đang gặp một số vấn đề phát triển kinh tế, một số quốc gia thành viên tăng trưởng rất chậm.

Một trong số các nguyên nhân là chính sách thị thực của EU quá chặt chẽ. Điều này cản trở du khách tới châu Âu, đặc biệt là các du khách tiềm năng.

Việc giảm lượng khách du lịch còn khiến châu Âu bị thiệt hại về kinh tế và tiêu dùng, đồng thời cũng gây thiệt hại trong vấn đề việc làm do thiếu nhân công.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy trong năm 2012, EU đã mất tổng số 6,6 triệu lượt du khách tiềm năng đến từ sáu nước có nhiều du khách nhất, do thủ tục thị thực rườm rà. Điều này tương đương với việc mất 130 tỷ euro trong 5 năm từ chi tiêu trực tiếp của du khách cho lưu trú, ăn uống, đi lại, vui chơi giải trí, mua sắm và mất khoảng 1,3 triệu việc làm trong ngành du lịch và các lĩnh vực liên quan.

Nếu các quy định thị thực linh hoạt và dễ tiếp cận hơn, số lượng du khách từ sáu nước này đến khu vực Schengen có thể tăng 30% đến 60%.

Theo bà Cecilia Malmstrom, Ủy viên Nội vụ EU, châu Âu cần có một chính sách thị thực linh hoạt hơn để thu hút thêm khách du lịch, doanh nhân, các nhà nghiên cứu, sinh viên, nghệ sỹ và các chuyên gia văn hóa.

Bà Cecilia Malmstrom cũng nhấn mạnh EU muốn thúc đẩy nền kinh tế và tạo ra công ăn việc làm mới bằng cách nhấn mạnh khía cạnh kinh tế trong chính sách thị thực, trong khi vẫn duy trì mức độ cao về an ninh tại biên giới.

Nhằm đơn giản hóa thủ tục xin thị thực, EU đưa vào khai thác Hệ thống Thông tin thị thực (VIS), dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015, cho phép cơ quan lãnh sự của các nước thành viên tiếp cận hồ sơ của người nộp đơn xin cấp thị thực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục