Theo nhật báo Yomiuri, sau khi Trung Quốc, nước trước năm 2017 đã tiếp nhận phần lớn rác thải nhựa mà Nhật Bản xuất khẩu ra nước ngoài, cấm nhập khẩu rác thải nhựa, rác thải nhựa của Nhật Bản đã được chuyển sang Đông Nam Á.
Tuy nhiên, với việc các thành viên Công ước Basel đã nhất trí bổ sung rác thải nhựa bẩn vào danh sách các sản phẩm bị điều tiết bởi các quy định cấm nhập khẩu và xuất khẩu kể từ năm 2021, việc xuất khẩu rác thải nhựa sẽ trở nên khó khăn hơn.
Câu hỏi đặt ra là liệu Nhật Bản có thể xử lý toàn bộ rác thải nhựa ở trong nước?
Rác thải nhựa có thể gây ra ô nhiễm môi trường, vì vậy, việc xử lý rác thải nhựa một cách phù hợp là cực kỳ quan trọng.
Tại cuộc họp của các bên tham gia Công ước Basel hồi tháng 5/2019, các thành viên đã nhất trí bổ sung rác thải nhựa bẩn, có chứa các tạp chất như thực phẩm và đồ uống, vào danh sách các sản phẩm bị điều tiết bởi các quy định cấm nhập khẩu và xuất khẩu giữa các thành viên.
[Giải pháp cho ASEAN trong giải quyết vấn đề nhập khẩu chất thải nhựa]
Đây là một đề xuất do nhiều nước, trong đó có Nhật Bản và Na Uy, đưa ra. Lệnh cấm mới dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2021.
Công ước Basel là một hiệp ước quy định về hoạt động xuất - nhập khẩu rác thải nguy hiểm, với sự tham gia của 186 quốc gia và khu vực cùng với Liên minh châu Âu (EU). Đây là một lệnh cấm quốc tế và toàn diện đầu tiên liên quan tới rác thải nhựa.
Ở khu vực Đông Nam Á, rác thải nhựa nhập khẩu từ các nước khác đã theo dòng chảy ra đại dương và gây ra tác động tiêu cực tới môi trường biển. Việc thông qua lệnh cấm mới này thể hiện sự lo lắng của toàn thế giới về vấn đề rác thải nhựa hiện nay.
Tại Nhật Bản, mỗi năm có khoảng 9 triệu tấn rác nhựa được thải ra, trong đó khoảng 1 triệu tấn thu gom từ các hộ gia đình như nguyên liệu có thể tái chế được; 1 triệu tấn rác nhựa bẩn phải xử lý như rác đốt được; 7 triệu tấn rác nhựa công nghiệp, bao gồm rác thải nhựa từ các nhà máy, văn phòng và các cửa hàng bán lẻ. Rác thải công nghiệp được xử lý bằng cách tái chế, đốt, chôn lấp hoặc xuất khẩu sang các nước khác.
Trước năm 2017, mỗi năm, Nhật Bản xuất khẩu từ 1,4 đến 1,5 triệu tấn rác nhựa sang các nước khác để tái chế, trong đó năm 2016 là 1,5 triệu tấn và năm 2017 là khoảng 1,43 triệu tấn. Tuy nhiên, số rác nhựa này bao gồm cả các rác thải nhựa bẩn và không thể tái chế.
Trung Quốc, nước đã tiếp nhận phần lớn rác thải nhựa mà Nhật Bản xuất khẩu ra nước ngoài, về nguyên tắc đã cấm nhập khẩu loại rác này vào cuối năm 2017 với lý do gây ô nhiễm môi trường. Kết quả là Nhật Bản phải tăng cường xuất khẩu rác thải nhựa sang các nước như Malaysia và Thái Lan.
Tuy nhiên, theo quy định mới, khi Nhật Bản xuất khẩu rác thải nhựa bẩn, nước này cần phải có sự chấp thuận của các nước tiếp nhận trước khi tiến hành xuất khẩu, và bản thân các nước tiếp nhận cũng phải có các cơ sở xử lý rác thải nhựa với công suất tương đương hoặc hơn so với các cơ sở xử lý rác thải đang hoạt động ở Nhật Bản. Điều này khiến cho hoạt động xuất khẩu rác thải nhựa của Nhật Bản trở nên bất khả thi.
Câu hỏi đặt ra là liệu Nhật Bản có thể chuẩn bị để xử lý toàn bộ rác thải nhựa ở trong nước? Sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa, rác thải nhựa không thể xử lý ở Nhật Bản vẫn còn lưu giữ ở nước này. Trong khuôn viên các cơ sở xử lý rác thải nhựa, rác thải nhựa vượt quá năng lực xử lý của các cơ sở này đang chất đống.
Để giải quyết vấn đề này, theo hãng tin Jiji Press, Bộ Môi trường Nhật Bản dự kiến sẽ yêu cầu các địa phương tiếp nhận và xử lý rác thải nhựa công nghiệp. Nguyên nhân là do các lò đốt rác ở một số địa phương vẫn còn chưa hoạt động hết công suất do dân số giảm và nhận thức của người dân về vấn đề tái chế rác nhựa tăng.
Theo hệ thống quản lý rác thải hiện hành ở Nhật Bản, các địa phương thu gom và xử lý rác thải nhựa của các hộ gia đình, trong khi các doanh nghiệp tái chế được các tỉnh cấp phép sẽ xử lý rác thải nhựa công nghiệp.
Theo đề xuất trên, các địa phương tiếp nhận và xử lý rác thải nhựa sẽ chuyển chi phí đốt rác sang các doanh nghiệp tạo ra rác thải nhựa đó.
Tuy nhiên, về lâu dài, theo nhật báo Yomiuri, để thúc đẩy việc xử lý rác thải nhựa, cần phải xây dựng thêm các cơ sở xử lý rác thải và nâng cấp máy móc, thiết bị.
Bộ Môi trường đang cân nhắc tăng trợ cấp cho các nhà máy xử lý rác thải nhựa và nới lỏng các quy định về xây dựng các cơ sở xử lý rác thải. Tuy nhiên, vẫn không chắc chắn liệu các công ty sẽ phát triển các cơ sở xử lý rác thải theo đúng mong muốn của chính phủ hay không.
Các công nghệ tái chế rác nhựa để chuyển rác nhựa thành các sản phẩm mới bằng việc đun chảy cần phải được cải tiến mạnh mẽ hơn. Cần phải phát triển các vật liệu có thể sử dụng nhiều lần và thúc đẩy việc sử dụng chất dẻo làm từ các nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật. Cần sử dụng các bộ đồ ăn sử dụng một lần như thìa và dĩa nhựa càng ít, càng tốt.
Bài báo kết luận, Nhật Bản đứng thứ 2 thế giới về lượng tiêu thụ đồ nhựa bình quân đầu người. Vì vậy, mỗi người dân cần luôn có ý thức về vấn đề rác thải nhựa./.