Bài 6: Hệ lụy điều chỉnh quy hoạch: Tư nhân làm, ngân sách chịu!

'Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ

Việc quy hoạch chạy theo dự án nhưng thiếu kiểm soát đã khiến nhiều đô thị bị biến dạng với những hậu quả nhãn tiền, nhưng hàng năm, Nhà nước vẫn phải chi không ít ngân sách cho việc sửa chữa...
'Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ ảnh 1Tắc đường đã trở nên quá phổ biến ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Bài 6: Hệ lụy điều chỉnh quy hoạch: Tư nhân làm, ngân sách chịu!

Sau gần hai thập kỷ “nới lỏng” cho doanh nghiệp phát triển “nóng,” quy hoạch chạy theo dự án nhưng thiếu kiểm soát đã khiến nhiều đô thị bị biến dạng với những hậu quả nhãn tiền như ùn tắc giao thông, hỏa hoạn, sụt lún, ngập nước...

Không chỉ các đô thị lớn phải “trả giá” cho việc quy hoạch méo mó, mà ngay như tại Phú Quốc-một hòn đảo nằm giữa bốn bề sóng biển, ấy vậy mà hễ cứ mưa lại ngập lụt nhiều ngày. Hay như Đà Lạt, thành phố núi đồi mà ai cũng nghĩ “nước ở trên cao sao giữ lại,” thế mà cứ trời đổ mưa, thành phố ngàn hoa lại ngập nặng.

Và trớ trêu thay, Nhà nước hàng năm vẫn phải chi không ít ngân sách cho việc sửa chữa, khắc phục hậu quả từ hệ lụy quy hoạch.

Chạy theo kinh tế, đánh đổi môi trường

Liên tiếp những năm gần đây, hàng loạt cơn lũ, lũ quét, triều cường, sạt lở đất đã xảy ra tại nhiều địa phương bị phá rừng trên cả nước, khiến hàng trăm người chết và mất tích; hàng nghìn ngôi nhà bị đổ sập, nhiều công trình hư hỏng, cuốn trôi.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hễ cứ mưa xuống, triều cường lên, đường phố lại bị ngập úng. Một số thời điểm, nhiều đoạn đường thậm chí còn biến thành sông, cây xanh bỗng bật gốc đè lên xe cộ gây chết người…

Ngay cả hòn đảo ngọc nằm giữa bốn bề sóng nước như Phú Quốc hay ven biển Nha Trang, những năm vừa qua cũng liên tiếp bị sạt lở, ngập nghiêm trọng mỗi khi mưa xuống.

Theo lý giải của giới chuyên gia quy hoạch, ngoài yếu tố thiên tai thì nguyên nhân chính dẫn đến ngập lụt ở Phú Quốc, Nha Trang là do các dự án xây dựng ồ ạt đã lấp sông suối, chặn dòng chảy tự nhiên khiến nước dồn ứ dâng cao gây ngập lụt. Đặc biệt, các công trình mới xây dựng quây kín bờ biển khiến vùng đất phía trong thành thung lũng, nước mưa không thể nào thoát nên mới gây ra ngập úng, sạt lở.

Thực trạng trên khiến bất cứ ai quan tâm, xem hình ảnh, video, clip hoặc tận mắt chứng kiến những khu rừng bị tàn phá tan hoang, để nhường chỗ cho những tòa nhà cao tầng bê tông kiên cố, trung tâm thương mại sầm uất, những biệt thự to đùng vương giả đến những căn nhà siêu mỏng, siêu méo chen chúc lấn vỉa hè, lòng đường, lấn sông, lấn biển, hẳn đều có chung nỗi hoang mang như câu nguyền “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” đã hiển hiện…

Cho đến nay, môi trường vẫn đang bị xem nhẹ trong cuộc đua phát triển đô thị giữa các tỉnh, thành phố. Đáng lưu tâm hơn, đó là tư duy đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Dù rằng, những nỗi lo trên đã được Thủ tướng Chính phủ cảnh báo, dẫn chứng, nhắc nhở tại nhiều cuộc họp, cũng đã có rất nhiều bài học nhãn tiền, nhưng không những nó không được khắc phục mà thậm chí còn ngày càng tệ hại hơn.

Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã chỉ ra rằng một trong những nguyên tắc cơ bản đầu tiên của luật là đảm bảo đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch thiết kế; quy định phải thẩm định hồ sơ dự án...

Nhưng với 1.390 quy hoạch bị điều chỉnh từ 1 đến 6 lần, quy hoạch được điều chỉnh tăng tầng cao, số tầng, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, hạ tầng kỹ thuật,... mà báo cáo giám sát về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị đã nêu thì Luật Xây dựng nói chung và các nguyên tắc cơ bản nói riêng trong Luật Thủ đô, Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị được dày công nghiên cứu để chế định, dường như đã bị xem thường.

Không chỉ quy hoạch đô thị mà vấn đề quy hoạch phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường cũng đã và đang bị phớt lờ, trong khi công tác thanh kiểm tra, xử phạt vi phạm chưa hiệu quả, nếu không muốn nói “nhắm mắt cho qua” dẫn tới tình trạng vi phạm của doanh nghiệp; xâm phạm và phá hủy tài nguyên thiên nhiên của quốc gia ngày càng phổ biến, bất chấp pháp luật, gây ra những hậu quả nặng nề.

Nhiều cử tri, đại biểu quốc hội cũng bày tỏ bức xúc khi nhiều doanh nghiệp ngang nhiên biến “của công” thành “của ông” thông qua hoạt động xây dựng dự án, khai thác rừng núi, lấm chiếm sông, biển ồ ạt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước.

'Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ ảnh 2Tình trạng cây xanh bật gốc, đổ, gãy diễn ra thường xuyên sau mỗi trận mưa ở Hà Nội. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Điều đáng nói là, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, đất đai ngày càng thu hẹp dần để nhường chỗ cho những “siêu, đại” dự án du lịch. Nhưng dường như những sản phẩm ấy chỉ dành cho số ít người giàu, còn phần đông người dân vẫn chưa có khả năng sở hữu hay sử dụng dịch vụ cao cấp ấy. Sự hài hoà giữa kiến trúc vương giả và thiên nhiên trong yêu cầu chú trọng bảo tồn giờ chỉ là điều xa xỉ.

Đó là chưa kể quá trình thi công xây dựng còn gây ảnh hưởng tới đường xá, công trình. Hoạt động xẻ núi, lấp biển ngày đêm đã làm thất thoát tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân trong vùng dự án, gây ra những hệ lụy lâu dài đến công tác bảo tồn, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.

Tùy tiện trong thay đổi, điều chỉnh quy hoạch

Trước những hệ lụy liên quan đến hậu quy hoạch, trong báo cáo hoạt động chất vấn chuyên đề vừa được Bộ Xây dựng gửi tới Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã chỉ ra một loạt tồn tại, hạn chế như: Công tác lập, phê duyệt quy hoạch đô thị tại hầu hết các địa phương thực hiện chưa đồng bộ.

Kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm chưa gắn kết với quy hoạch, dẫn tới việc đầu tư dàn trải, không đảm bảo đầu tư đồng bộ giữa nhà ở, khu đô thị, trụ sở… với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đồng thời thiếu một số công trình kết nối hạ tầng (nhất là giao thông) giữa đô thị và các địa phương lân cận, làm cho tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.

Đặc biệt là quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân thủ theo đúng định hướng quy hoạch chung, gây gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng.

Trong quá trình thẩm định quy hoạch, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan (ở Trung ương cũng như địa phương) còn nhiều hạn chế, chưa thống nhất; việc lấy ý kiến cộng đồng còn chưa đúng đối tượng theo quy định, chưa tổng hợp, giải trình đầy đủ, thấu đáo các nội dung góp ý của cộng đồng dân cư; chưa đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và cộng đồng.

Nhìn nhận ở góc độ chuyên gia, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng quy hoạch khu đô thị dễ dàng bị thay đổi đang khiến nhiều đô thị trên cả nước rơi vào “mớ bòng bong.” Thực trạng của việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cũng là nguyên nhân dẫn đến không gian sống ngột ngạt, chất lượng sống của người dân đi xuống.

'Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ ảnh 3Tình trạng xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn diễn ra phổ biến. (Nguồn ảnh: TTXVN)

“Cần phải nhận thức rằng việc phê duyệt cũng như điều chỉnh quy hoạch các khu đô thị là những thành phần nằm chung trong một tổng thể. Trong quy hoạch từng dự án, từng khu lại cần phải nằm trong quy hoạch chung của địa phương và các vùng lân cận.

Theo đó, với quy hoạch đô thị, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo tỷ lệ về cây xanh, mặt nước; đảm bảo các dịch vụ giao thông, trường học, bệnh viện, khu vui chơi, mua sắm; đảm bảo về tỷ lệ cấp thoát điện, nước, viễn thông, rác thải… trên mật độ dân số,” ông Tùng phân tích.

Liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nhận xét: Hiện nay khi làm quy hoạch thì phải trải qua rất nhiều các cấp thẩm định để ra được quyết định phê duyệt, thế nhưng khi điều chỉnh lại không theo nguyên tắc nào. Việc quan trọng nhất trước khi điều chỉnh quy hoạch một khu đô thị là làm rõ: Vì sao lại điều chỉnh? Điều chỉnh đó có vi phạm những quy định của thành phố, Nhà nước, Chính phủ hay không? Điều chỉnh này khác gì, có trái với quy hoạch đã được duyệt lần đầu không?…

Thế nhưng, hầu như các yêu cầu trên đều bị bỏ quên trong quá trình điều chỉnh quy hoạch. Cũng cần quy rõ trách nhiệm, ai cấp nào ký quyết định phê duyệt quy hoạch khu đô thị đó thì đến lúc điều chỉnh, cấp đó phải ký điều chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

“Chúng ta cũng chưa bao giờ đi thanh kiểm tra các quyết định điều chỉnh quy hoạch, chưa hề có vụ án nào xử lý về chuyện đó. Đến nay, việc xử lý sai phạm mới chỉ dừng lại ở xử lý các doanh nghiệp xây dựng trái phép, lừa đảo, nhưng có lẽ đã đến lúc đưa ra vành móng ngựa cả người ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Họ phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, pháp luật về những chữ ký của mình,” ông Tùng nhấn mạnh.

Cá nhân-tư nhân làm, ngân sách chịu

Những ảnh hưởng, thiệt hại về kinh tế đã rõ ràng. Thế nhưng, việc khắc phục hậu quả vẫn còn phụ thuộc vào “bầu sữa” ngân sách của Nhà nước. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng không thể để tiếp diễn mãi cảnh vô lý: “Tư nhân làm, ngân sách chịu,” các cá nhân, doanh nghiệp, nhóm lợi ích thì thu lợi, còn ngân sách nhà nước phải è cổ chạy theo để giải quyết hậu quả.

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng hiện một số công trình, các chung cư cao tầng tại các trung tâm thành phố đang ngày càng quá tải, gây ra nhiều hệ lụy như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm không khí, mất an toàn cháy nổ, kể cả động đất nếu xảy ra. Những công trình đắt nhất cũng gây thất thoát, lãng phí kép...

'Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ ảnh 4Những hoạt động gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân bức xúc từng xảy ra tại khu vực Nhà máy xi măng Sông Lam tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vì thế, nếu không xử lý, khắc phục cơ bản việc buông lỏng kỷ cương trật tự xây dựng, đoạn tuyệt với việc phạt cho tồn tại như xây dựng sai quy hoạch, sai mục đích sử dụng đất, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch thì Nhà nước và người dân là thua thiệt.

Nói thêm về điều này, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ: Trên thế giới, việc đập phá công trình xây dựng sai phép hầu như không được áp dụng vì nó dẫn đến những bất ổn xã hội, làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình xây dựng, ảnh hưởng đến tiền của của xã hội. Phương pháp giải quyết của họ là cơ quan quản lý sẽ phạt số tiền gấp 5-6 lần số tiền lãi thu được từ phần xây dựng trái phép.

Ở ta, người quản lý trước phê duyệt cho xây dựng, cơi nới thêm, nhiệm kỳ sau người quản lý khác lại đập phá… các công trình Công viên Thanh Hà, Tòa nhà 8B Lê Trực... là những ví dụ vô cùng đau xót bởi hệ lụy từ lỗi thiếu trách nhiệm của cấp giám sát, quản lý và cuối cùng xã hội thiệt, người dân thiệt.

Không chỉ người dân ở các đô thị mới bị ảnh hưởng, mà ngay cả ở các vùng núi, khu vực nông thôn, thực trạng cơ quan chức năng thiếu sâu sát hay buông lỏng quản lý cho doanh nghiệp “thoải mãi” phá núi, xây dựng công trình, nhà máy… cũng đã và đang khiến người dân phải sống khốn khổi với ô nhiễm.

Đơn cử như việc Nhà máy xi măng Sông Lam được đầu tư xây dựng từ năm 2016 tại xã Bài Sơn, (Đô Lương, Nghệ An). Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, nhà máy này phải đảm bảo bán kính an toàn cho khu dân sinh (khoảng cách từ dự án đến điểm rơi bụi và khí độc phát sinh trong quá trình hoạt động) cách lò nung khoảng 900m, cách hàng rào 600m.

Thế nhưng, suốt gần 4 năm qua, gần 160 hộ dân nằm trong bán kính “vùng ảnh hưởng,” trong đó nhiều hộ dân có nhà cửa nằm cách lò nung của nhà máy chưa tới 300m, vẫn không được di dời, ngày-đêm còn bị tra tấn bởi tiếng ồn, ô nhiễm khói bụi; mỗi khi mưa bão xuống lại tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, vùi lấp nhà cửa…

Dù rằng người dân xã Bài Sơn đã nhiều lần gửi đơn thư phản ánh tới cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An; 2 lần nhờ phóng viên VietnamPlus gửi tâm thư cầu cứu tới tận tay Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, nhưng đến nay, điều mà người dân nhận được vẫn chỉ là những “lời hứa” không hẹn ngày giải quyết?

Trong khi, tài nguyên khoáng sản của quốc gia với những núi đá mà thiên nhiên ban tặng, hàng ngày vẫn cứ bị khai phá, “móc ruột,” chuyển về nhà máy xi măng để thu hàng nghìn tấn clinker đưa đi tiêu thụ, tiền chảy vào túi doanh nghiệp../.

[Bài 1: ‘Siêu dự án’ hô biến mất nhà cửa của dân nghèo thành thị]

[Bài 2: Xây trước, xin sau và cái bóng của ‘nhóm lợi ích’]

[Bài 3: ‘Chiếc áo đô thị’ chật hẹp: Mỗi mảnh ghép một nỗi lo…]

[Bài 4: ‘Quy hoạch miệng, dự án ma’: Mê hồn trận giúp ‘con voi chui lọt lỗ kim’]

[Bài 5: Dự án kinh doanh núp áo du lịch tâm linh ‘tận diệt’ tài nguyên]

Bài 7: Trôi nổi quả bóng trách nhiệm: Cấp trên làm sai, cấp dưới chịu tội

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục