Lồng ghép biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội

Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tổ chức Hội thảo “Lồng ghép biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và kế hoạch ngành.”
Lồng ghép biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1Thanh niên Sóc Trăng trồng 20.000 cây đước rừng phòng hộ ven biển. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Trong hai ngày 4-5/9, tại thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang, Chương trình Ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia kết hợp cùng các tổ chức phi chính phủ tổ chức Hội thảo “Lồng ghép biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và kế hoạch ngành.”

Tham gia hội thảo có đại diện một số tỉnh, thành phố trong cả nước, các thành viên nhóm truyền thông về biến đổi khí hậu và cán bộ tham gia các dự án do Chương trình và các tổ chức phi chính phủ tài trợ tại các địa phương.

Mục tiêu của hội thảo nhằm củng cố những hiểu biết về quy trình lập kế hoạch của Việt Nam, các đối tượng tham gia lập kế hoạch, cơ chế tham gia và nguồn lực thực hiện kế hoạch; nâng cao nhận thức các thành viên các nhóm truyền thông biến đổi khí hậu về sự cần thiết phải lồng ghép các yếu tố ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ngành và địa phương. Từ đó, thống nhất về lộ trình mở rộng công việc này.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, thảo luận sôi nổi nhiều vấn đề bức thiết về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại từng địa phương, nhất là khu vực các tỉnh ven biển Việt Nam; về giới tính; trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ - những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất; tình hình biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ nông sản vùng khó khăn, ngành hàng và chuỗi giá trị; tác động đối với môi trường và các giải pháp ứng phó khẩn cấp.

Về góc độ chuyên môn, bà Trần Thị Hạnh, chuyên gia tư vấn, cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu quy trình các bước lập kế hoạch, các công cụ sử dụng để lập kế hoạch, các văn bản pháp quy cần dựa vào để lập kế hoạch Luật Đầu tư công 2014, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng chống rủi ro thiên tai...

Bà Hạnh cũng khuyến cáo những khó khăn, thách thức khi thực hiện lập kế hoạch có sự tham gia trên toàn tỉnh; trong đó, nhất thiết phải có sự cam kết đổi mới công tác lập kế hoạch và lồng ghép biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai của lãnh đạo các cấp; có sự tham gia tích cực của cán bộ các cấp, có khung pháp lý và hướng dẫn một cách cụ thể...

Hội thảo đã nghe đại diện một số địa phương trong cả nước chia sẻ những kinh nghiệm hay, thiết thực đi vào đời sống về lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua.

Điển hình như tỉnh Nam Định nằm cuối nguồn sông Hồng hàng năm phải đối phó với xâm nhập mặn sâu vào thượng lưu trong mùa khô và sạt lở, ngập lụt nặng vùng ven biển trong mùa mưa bão.

Theo ông Đỗ Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định, để ứng phó biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai một cách hiệu quả, bảo vệ đời sống và sản xuất, Nam Định quan tâm việc quy hoạch các vùng sản xuất ven biển theo hướng phù hợp xu thế nước biển dâng, tăng cường đầu tư kiện toàn mạng lưới cống đập ngăn mặn; tích cực chuyển đổi sản xuất theo hướng mở rộng nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước mặn thay cho trồng trọt.

Những nội dung trên được tỉnh, huyện và cơ sở đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm cũng như nhiệm kỳ 5 năm.

Còn theo ông Huỳnh Văn Mười, đại diện cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh đầu tư khoảng 135 tỷ đồng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Địa phương đã xây dựng 20 mô hình thích ứng biến đổi khí hậu như xây cất trường lớp và trạm y tế kiên cố đạt chuẩn quốc gia vừa đảm bảo trở thành nơi trú ẩn an toàn khi thiên tai, bão tố xảy ra; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân và các cấp, các ngành về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai phù hợp với đặc thù địa phương.

Ông Ngô Thanh Nhanh, Trưởng phòng Tổng hợp, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh cho biết kết hợp với Dự án Xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu của các công đồng ven biển Việt Nam do OXFAM tài trợ (gọi tắt là Dự án PRC), tỉnh đã lập kế hoạch lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại 105 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Năm 2015, tỉnh tiếp tục bổ sung thêm 78 xã còn lại.

Trong quá trình thực hiện, Trà Vinh đúc kết được một số kinh nghiệm về đảm bảo quy trình từ dưới lên; tránh rập khuôn, hình thức, sao chép trong công tác lập kế hoạch; chú trọng hướng dẫn lập kế hoạch cấp huyện trên cơ sở tổng hợp những đề xuất kế hoạch của cấp cơ sở mà huyện Châu Thành (Trà Vinh) là một điển hình làm tốt.

Theo ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang, hội thảo lần này mang lại ý nghĩa và hiệu ứng hết sức thiết thực cho các địa phương trong cả nước.

Đây là cơ hội tương tác tích cực, mở rộng và chia sẻ những kinh nghiệm quí giữa các thành viên tham dự trong việc lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu với giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương giai đoạn 2011-2015, đặc biệt là giai đoạn 2016-2020 sắp tới. Qua đó, cho thấy vấn đề nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho cộng đồng các tỉnh ven biển nói riêng và cả nước nói chung hết sức quan trọng, cần được đặc biệt lưu tâm khi lập các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ngắn hạn cũng như tầm chiến lược, dài hơi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục