Sáng 26/11, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật báo chí (sửa đổi). Dự luật này đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận trong thời gian gần đây.
Bên hành lang nghị trường, Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
- Thưa Đại biểu Dương Trung Quốc, Luật báo chí được ban hành năm 1989 và được sửa đổi bổ sung năm 1999 sau 16 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải điều chỉnh. Trong bối cảnh báo chí hiện nay, theo ông luật cần sửa đổi những gì?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Luật báo chí ban hành từ lâu và chúng ta đã chứng kiến tất cả những mặt khởi sắc và không ít những vấn đề bức xúc và đó là lý do phải điều chỉnh lại từ vấn đề báo chí thực hiện đúng chức năng xã hội của nó cũng như phát huy hiệu quả.
Trong bối cảnh hiện nay, khi có Hiến pháp mới, chúng ta luôn đặt quyền tự do ngôn luận với việc giám sát vì lợi ích chung của cộng đồng.
Những nỗ lực vừa rồi thể hiện trong dự thảo Luật báo chí sửa đổi là một nỗ lực hết sức thiện chí. Nhưng đi vào những vấn đề cụ thể thì chắc chắn động chạm vào lợi ích, nhận thức của người này, người khác, địa phương này, địa phương khác, nhóm xã hội này, nhóm xã hội khác...
Tôi lấy ví dụ như việc các tập đoàn tư nhân có được làm báo hay không, trong khi họ rất có nhu cầu về quảng bá nhưng người ta lại e ngại sự quảng bá đó không tạo ra công bằng giữa các tập đoàn…
Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng chúng ta cần quan tâm quy luật của thị trường. Khi chúng ta đặt báo chí vào vị trí của những doanh nghiệp đặc biệt thì thị trường sẽ vận hành.
Ở đây, cần tránh sự bất bình đẳng, giống như doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Có tờ báo được Nhà nước hỗ trợ, có những tờ báo tự lo và khi tự lo phải thuận theo kinh tế thị trường, có mặt trái. Vậy cần phải điều chỉnh làm sao để phát huy mặt tích cực và tất cả giải pháp hiện nay thể hiện trong dự thảo để hướng tới điều đó.
- Trong dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) có quy định về việc phóng viên thường trú chỉ được công nhận khi ủy ban nhân dân địa phương có văn bản chấp thuận. Ông nghĩ sao về điều này?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Đây là góc nhìn của nhà quản lý bảo đảm sự an toàn và thường thì sự an toàn đó đứng về phía của các cơ quan hành pháp.
Cá nhân tôi cho rằng điều này không cần thiết. Nếu như anh [phóng viên thường trú-pv] vi phạm trên địa bàn của tôi thì tôi xử lý, nếu thuộc quyền quản lý hành chính hoặc ngành dọc của anh xử lý.
- Vấn đề tiết lộ nguồn tin cũng có hai ý kiến trái chiều. Dự thảo quy định báo chí tiết lộ nguồn tin khi có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chỉ những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng thì báo chí mới phải tiết lộ nguồn tin, thưa ông?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Báo chí có chức năng xã hội. Ví dụ như vấn đề tham nhũng, chính nhà nước cũng phải thừa nhận báo chí đóng vai trò quan trọng.
Ở đây, chúng ta phải làm sao để Luật báo chí đi cùng Luật tiếp cận thông tin để tạo thành một tổng thể. Mỗi lĩnh vực, mỗi luật đều có đặc thù riêng nhưng đòi hỏi liên thông, tương thích với các luật khác.
- Dự thảo cũng quy định tuổi tuổi đảm nhiệm chức danh tổng biên tập, phó tổng biên tập không quá tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về lao động. Đối với cơ quan báo chí thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, tuổi này có thể cao hơn tuổi nghỉ hưu nhưng tối đa không quá 5 năm. Ông có cho rằng quy định này hợp lý không?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Nếu nhà báo nằm trong diện công chức thì phải chấp nhận chung. Nhưng đâu phải tất cả. Ví dụ với những tờ báo của các hội nghề nghiệp hay tổ chức xã hội thì làm sao lại ràng buộc bằng quy định đó được…
- Xin cảm ơn Đại biểu!