Ngày 15/11, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang ở thăm Naypyidaw cho biết Washington đang xem xét trừng phạt đích danh các cá nhân phải chịu trách nhiệm cho làn sóng bạo lực ở Myanmar, nhưng nhiều khả năng sẽ không áp đặt trừng phạt kinh tế trên quy mô lớn đối với quốc gia Đông Nam Á này.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, ông Tillerson khẳng định: "Nếu chúng tôi có thông tin đáng tin cậy về việc một số cá nhân cụ thể phải chịu trách nhiệm cho các hành động mà chúng tôi thấy rằng không thể chấp nhận được, thì việc áp đặt các lệnh trừng phạt nhắm vào các cá nhân này có thể là thích đáng". Tuy nhiên, vào thời điểm này ông không nghĩ rằng các lệnh trừng phạt kinh tế "rộng rãi" đối với toàn bộ đất nước này là phù hợp.
Cuối tháng 8 vừa qua, các phiến quân người Rohingya đã tấn công các chốt an ninh ở bang Rakhine, buộc lực lượng chức năng Myanmar phản ứng đáp trả. Bạo lực bùng phát đã khiến hơn 600.000 Rohingya chạy qua biên giới sang Bangladesh.
Đầu tháng này, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã giới thiệu một dự luật áp đặt các trừng phạt và hạn chế đi lại đối với các quan chức quân sự cấp cao của Myanmar bị cho là chịu trách nhiệm cho các vụ lạm dụng nhân quyền đối với cộng đồng người Hồi giáo Rohingya./.